Nếu không thu hút được thí sinh, Trường chuyên Lam Sơn sẽ thành… chuyên TP Thanh Hóa
Theo thầy Chu Anh Tuấn, muốn có học sinh thành tích cao tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế, yếu tố đầu tiên là chất lượng đầu vào của nhà trường. Giáo dục là một quá trình, không có thể học sinh giỏi ở bậc THPT khi mà không có nền tảng ở những bậc học trước đó.
Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn tuyển sinh của trường THPT chuyên Lam Sơn hiện đang chưa thu hút được học sinh của toàn tỉnh, mà chủ yếu đến từ vùng đô thị và lân cận.
NGƯT Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) |
Những năm học trước, kỳ thi tuyển sinh vào THPT chuyên Lam Sơn được tổ chức riêng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thì tỷ lệ học sinh TP Thanh Hóa trúng tuyển chiếm 62%. Năm nay, tổ chức thi chung thì tỷ lên này tăng lên đến 72%.
Trong số 385 thí sinh trúng tuyển năm 2018, ngoài đến từ các trường thành phố, học sinh chủ yếu tập trung ở Sầm Sơn, Đông Sơn, Hoằng Hóa.
Những huyện, thị còn lại hầu như không có em nào hoặc chỉ có 1 vài em trúng tuyển như: Ngọc Lặc, Bỉm Sơn, Hà Trung, Thường Xuân, Bá Thước… Thống kê cũng cho thấy, toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2018 có 848 lượt HSG tỉnh lớp 9, trong đó có 27 giải Nhất, thì chỉ có 11 giải Nhất vào Lam Sơn.
Thầy Tuấn cho rằng, việc thu hút học sinh vào trường THPT chuyên Lam Sơn nên xem như là một chính sách của tỉnh. Tạo điều kiện, khuyến khích các em mạnh dạn đăng ký thi tuyển, và theo học tại trường. Có được nguồn tuyển sinh tốt, thì trường mới có học sinh để từ đó phát hiện, bồi dưỡng đưa vào các đội tuyển HSG quốc gia, quốc tế.
Giáo viên giỏi ngại về trường chuyên
Vấn đề thứ 2 là ở đội ngũ cán bộ giáo viên. Hiện tại, trường THPT chuyên Lam Sơn đang có nhu cầu và thiếu một số giáo viên ở một số môn chuyên. Nhưng một nghịch lý mà thầy Tuấn đưa ra là nhiều giáo viên giỏi các trường THPT các huyện, thị khi được mời về trường chuyên dạy lại chưa muốn. Lý do giáo viên dạy chuyên cực kỳ vất vả, khó khăn. Việc dạy ở trường, bồi dưỡng học sinh cho các kỳ thi chiếm hầu hết thời gian. Đọc sách, đọc tài liệu cả tuần, cả tháng để dạy được vài hôm. Sự hi sinh đánh đổi rất lớn.
Năm 2018, trường THPT chuyên Lam Sơn bội thu huy chương Olympic quốc tế và khu vực (Ảnh: Nguyễn Thùy) |
Khi nguồn tuyển từ giáo viên phổ thông không có, trường nghĩ đến nguồn giáo sinh sư phạm, nhưng ít người đạt yêu cầu. Một điều đáng tiếc là một số em học sinh của trường, đạt giải quốc gia, quốc tế, cũng có mong muốn thi vào sư phạm, nhưng lại e ngại.
Thầy Tuấn cũng nêu dẫn chứng vừa qua, có trường hợp em Lê Cao Anh – đạt Huy chương Vật Lý Châu Á – Thái Bình Dương có mong muốn thi vào sư phạm. Nhưng sau đó do e ngại không được quay trở về trường THPT chuyên Lam Sơn để giảng dạy nên đã đăng ký vào ĐH Bách khoa.
Ngoài ra, vấn đề ngoại ngữ cũng đáng báo động. Hiệu trưởng nhà trường nêu ra thực tế học sinh đạt giải Olympic quốc tế ở Hà Nôi, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác đi du học rất nhiều. Nhưng ở Lam Sơn, nhiều em đạt giải cao mất cơ hội du học ở các nước châu Âu, hoặc Mỹ, Úc… vì hạn chế về ngoại ngữ.
Vì vậy, cần có biện pháp nâng tầm ngoại ngữ học sinh Thanh Hóa nói chung và chuyên Lam Sơn nói riêng.
Hiệu trưởng THPT chuyên Lam Sơn đề xuất chung cho toàn ngành, lãnh đạo Sở GD&ĐT về kế hoạch phân loại bồi dưỡng, phụ đạo học sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia.
Theo đó, trong báo cáo tổng kết năm học cũ, hoặc ngay đầu năm học mới, các trường THPT cần có khảo sát tình hình học sinh lớp 12 và báo cáo về Sở GD&ĐT những em có nguy cơ trượt tốt nghiệp; những em có khả năng đạt điểm 26, 27, 28 … trở lên. Từ đó, Sở nắm bắt tình hình, có quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo các trường lên phương án phụ đạo, ôn tập cho những em yếu, kém. Đồng thời, nâng cao, tập trung bồi dưỡng những em khá giỏi, đạt điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia. Qua đó, giữ vững và phát huy kết quả giáo dục của tỉnh kể cả về mũi nhọn lẫn đại trà.