Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng xây dựng, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng ngành Giáo dục; phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành; quyết định tặng danh hiệu thi đua theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.
Về cơ cấu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Giáo dục, Bộ trưởng sẽ là Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Thứ trưởng phụ trách công việc thường xuyên của công tác thi đua khen thưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, hội đồng gồm các ủy viên là lãnh đạo một số vụ/cục liên quan.
Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo mọi hoạt động của hội đồng, quyết định nội dung các cuộc họp, triệu tập, chủ trì và kết luận các phiên họp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng. Các ủy viên Hội đồng có nhiệm vụ theo dõi mảng thi đua do Chủ tịch hội đồng phân công.
Các đơn vị thường trực của Hội đồng có nhiệm vụ dự thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thi đua khen thưởng ngành Giáo dục. Đề xuất, tham mưu Hội đồng về chủ trương, kế hoạch tổ chức, thực hiện các phong trào; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước...
Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể và thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ, biểu quyết theo đa số các thành viên trong hội đồng. Hội đồng họp xét danh hiệu thi đua khen thưởng theo hình thức bỏ phiếu. Đối với danh hiệu "Anh hùng lao động", "Chiến sĩ thi đua toàn quốc", "Chiến sĩ thi đua cấp Bộ" phải đạt số phiếu từ 90% trở lên từ hội đồng.
Toàn văn Quyết định số 709 của Bộ GD&ĐT độc giả có thể xem Tại đây.
Hội đồng họp định kỳ 3 tháng một lần. Ngoài ra, Hội đồng có thể họp đột xuất do Chủ tịch Hội đồng triệu tập để giải quyết các công việc phát sinh trong thời gian giữa các phiên họp định kỳ. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể giao cho Phó Chủ tịch hội đồng thứ nhất chủ trì.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ
Ý kiến bạn đọc