Nước này đã đặt mục tiêu ưu tiên phục hồi hệ thống giáo dục công lập.
Tại một ngôi làng nhỏ ở miền trung Iraq, trẻ em chen chúc trong những lớp học đổ nát được xây dựng trên một trang trại bỏ hoang. Nhà vệ sinh lộ thiên, nằm gần những lớp học, cho thấy tình cảnh ảm đạm của hệ thống Giáo dục Iraq.
Đó là Trường Tiểu học al-Tafawuq. Năm 2011, chính quyền địa phương đã đóng cửa trường học để xây trường mới. Tuy nhiên, dự án bị đình trệ khiến trẻ em phải nghỉ học kéo dài trong lúc chờ trường xây xong.
Vì vậy, phụ huynh đã tự góp tiền, thuê một trang trại bỏ hoang và biến nó thành trường học cho 200 học sinh. Tại cơ sở mới, học sinh sử dụng chung một bồn rửa tay và 2 nhà vệ sinh không có mái che.
Những ngày mùa Đông, các em ngồi dồn vào 6 lớp học không có hệ thống sưởi. 3 trong 6 lớp học đó được xây dựng bởi tiền lương của giáo viên. Giáo viên sử dụng ván gỗ, bìa cứng bịt kín các cửa sổ khi mưa lớn để gió lạnh và nước không lọt vào.
Do xây dựng trên một trang trại bỏ hoang, xung quanh các lớp học là những bụi cây rậm rạp. Những ngày trời ẩm thấp, rắn và bọ cạp sẽ xuất hiện. Học sinh được nhắc nhở không bước vào các lùm cây, hạn chế di chuyển khỏi khu vực trường học.
Oudai Abdallah, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi đóng cửa trường học khi trời mưa vì nước rò rỉ qua mái nhà. Chúng tôi sợ nó có thể đè sập lên học sinh”.
Trường Tiểu học al-Tafawuq không phải cơ sở duy nhất gặp khó khăn. Hệ thống giáo dục Iraq hiện nay khác xa so với những năm 1970 và 1980, khi giáo dục Iraq phát triển khiến cả khu vực phải ghen tị.
Sinh viên từ khắp các quốc gia Ả Rập đổ xô đến học đại học tại Iraq. Các trường nổi tiếng về chất lượng giảng dạy và nhiều phúc lợi cho sinh viên như bữa ăn miễn phí, phương tiện di chuyển miễn phí...
Tuy nhiên, kể từ đó, Iraq trải qua nhiều khó khăn, dẫn đến ngành Giáo dục bị phá huỷ và suy giảm chất lượng. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thông tin một nửa số trường học trên cả nước bị hư hại và số lượng giáo viên có trình độ đã giảm. Những khó khăn trên khiến ngành Giáo dục Iraq thiệt hại nghiêm trọng và về lâu dài, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Chính phủ Iraq ước tính nước này cần xây dựng 8 nghìn trường học để đưa hệ thống giáo dục đi đúng hướng. Trước mắt, đến năm 2025, nước này hy vọng sẽ hoàn thành việc xây dựng một nghìn trường học. Chính phủ có kế hoạch tăng tỷ trọng giáo dục trong ngân sách quốc gia từ 10 - 16% vào năm 2031.
Trong lúc chính phủ tìm cách phục hồi giáo dục công lập, nhiều gia đình đang chuyển sang lựa chọn giáo dục tư nhân.
Phụ huynh Wisam, 44 tuổi, vừa cho con gái 10 tuổi chuyển từ trường công sang trường tư, cho biết: “Các trường tư thục sạch sẽ, được trang bị tốt hơn và chất lượng giáo dục cũng cao hơn trường công. Việc đóng học phí hơi khó khăn nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”.
Karim al-Sayyid, người phát ngôn Bộ Giáo dục Iraq thừa nhận các cơ sở giáo dục hiện nay quá đông đúc, thậm chí còn chưa thể tạo nên một “môi trường lành mạnh”. Tuy nhiên, phục hồi giáo dục được xem là ưu tiên hàng đầu hiện nay tại Iraq, quốc gia có 12 triệu học sinh.
Tác giả bài viết: Phạm Khánh
Ý kiến bạn đọc