Bộ GD&ĐT họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Thứ sáu - 28/06/2024 07:21 154 0
GD&TĐ - Chiều 28/6, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Bộ GD&ĐT họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì họp báo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữ ổn định về phương thức như giai đoạn 2020-2023.

Theo kế hoạch, công tác coi thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được tổ chức vào các ngày 27, 28/6/2024.

Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan

Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, năm nay có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66% tổng số thí sinh; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.373, chiếm 5,34%. Tổng số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%.

Cả nước có 2.323 Điểm thi, với tổng số 45.149 phòng thi. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại buổi họp báo.

GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) báo cáo tại buổi họp báo.

Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 30 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Đánh giá sơ bộ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng Kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.

Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời. Các hành vi vi phạm Quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.

Đông đảo các nhà báo tham dự buổi họp.

Đông đảo các nhà báo tham dự buổi họp.

Trước câu hỏi về vai trò của Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay, GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết: Kỳ thi được thực hiện theo Luật Giáo dục; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo; Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình GDTX cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Thống kê những năm qua, có số lượng lớn cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển đầu vào.

Đây là kỳ thi được đầu tư nhiều công sức, được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cách xây dựng đề thi hướng tới đánh giá năng lực người học, có độ phân hóa để các trường đại học tốp đầu cũng có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.

Không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn

Tại họp báo, liên quan đến vấn đề lộ, lọt đề thi Ngữ văn mà phóng viên đề cập, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có thông tin với báo chí về việc này.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn.

Liên quan đến công tác chấm thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho hay, mỗi môn thi đều có tiêu chí nhất định về giáo dục. Bên cạnh những gợi ý, hướng dẫn chấm thi thì cũng có phần mở. Nếu thí sinh trả lời đúng định hướng, có tính chất phát triển thì sẽ xem xét để "chấm mở”.

Các nhà báo đặt câu hỏi trong buổi họp.

Các nhà báo đặt câu hỏi trong buổi họp.

Trao đổi về đề thi tiếng Anh sử dụng ngữ liệu của tờ báo lớn, ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, đối với về đề thi nói chung, nhất là môn Ngoại ngữ, việc sử dụng ngữ liệu phải tin cậy. Ngữ liệu thường sử dụng những tờ báo chuẩn chỉ về nội dung, văn phong. Vì vậy, có nguồn cơ bản là sách, tạp chí hoặc một số tờ báo lớn. Đó là việc bình thường.

"Đề thi có đổi mới, nội dung đề hay hơn, sát thực tiễn. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Cấu trúc, định dạng đề thi không thay đổi nhưng cách thức gần với việc gắn với thực tiễn, gợi mở phát triển năng lực, bước đệm, tiệm cận để học sinh làm quen với cách thức ra đề kiểm tra theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018", ông Hà cho hay.

Liên quan đến đề thi môn Lịch sử, ở mã đề 319, câu 40, nhiều phóng viên đưa ra phương án trả lời khác nhau; ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trao đổi, Bộ sẽ tiếp nhận thông tin này. Việc trao đổi, nắm bắt sẽ được thực hiện không chỉ trong quá trình coi thi mà cả sau kỳ thi. Đây là việc cần thiết.

Tác giả bài viết: Nhóm PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập786
  • Hôm nay29,084
  • Tháng hiện tại307,214
  • Tổng lượt truy cập51,663,173
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944