Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá, sự kiện trao tặng gói thiết bị bước đầu hiện thực hóa Thỏa thuận khung giữa Bộ GD&ĐT và Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF vào cuối năm 2019.
Gói thiết bị có ý nghĩa thực tiễn và giá trị sử dụng cao, sẽ giúp cho Vụ Giáo dục Đại học thực hiện các hoạt động thông tin, truyền thông, liên lạc với các trường đại học bằng phương thức trực tuyến một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và AUF sẽ tiếp tục được thúc đẩy theo hướng thiết thực và hiệu quả, góp phần giúp cho giáo dục đại học của Việt Nam đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh quốc tế hóa, hội nhập ngày càng lớn mạnh trên thế giới.
Bà Ouidad Tebba- Giám đốc Văn phòng Đại diện Tổ chức Đại học Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết, AUF có mặt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn 25 năm, đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, AUF mong muốn lắng nghe những nhu cầu cũng như ưu tiên của ngành Giáo dục Việt Nam để xây dựng chiến lược phát triển.
Giám đốc Văn phòng Đại diện AUF tại châu Á - Thái Bình Dương nhận định, giáo dục Việt Nam ngày càng có nhiều cải tiến, thay đổi. Ngoài những dự án về đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, Việt Nam đang ưu tiên cho tự chủ đại học và nghiên cứu khoa học.
Bên lề sự kiện, bà Nguyễn Thu Thủy- Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và AUF nhiều tiềm năng, có thể đóng góp đáng kể cho giáo dục đại học Việt Nam nói chung và cho môi trường đại học Pháp ngữ của Việt Nam nói riêng.
Ưu tiên của Việt Nam trong giáo dục đại học trong thời gian tới là đẩy mạnh tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, đi kèm với chính sách đầu tư vun cao, tập trung cho các trường các ngành có tiềm năng tốt, dẫn đầu, đột phá.
Một số ngành trọng điểm, đặc biệt là 8 ngành ưu tiên dịch chuyển lao động trong khối ASEAN và khu vực, bao gồm: Nha khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật, Xây dựng, Kế toán, Kiến trúc, Khảo sát và Du lịch.
Trong số đó, các lĩnh vực mà tiếng Pháp chiếm ưu thế là các ngành truyền thống như Y Dược, Kiến trúc, Giao thông, Du lịch,... Theo bà Nguyễn Thu Thủy, nếu các đại học Pháp ngữ góp phần mở rộng hơn nữa thị trường lao động, gia tăng cơ hội việc làm thì nhu cầu học tiếng Pháp sẽ cải thiện tại Việt Nam .
AUF thành lập vào năm 1961 tại Montréal (Canada), là tổ chức đa phương hỗ trợ hợp tác và đoàn kết giữa các trường đại học và viện nghiên cứu có sử dụng ngôn ngữ giảng dạy và nghiên cứu là tiếng Pháp, đặc biệt chú trọng đến các nước Pháp ngữ tại châu Phi, các nước Ả Rập, châu Á - Thái Bình Dương, Trung Âu và Đông Âu và vùng Caribê với tổng số quốc gia lên đến 118 nước.
AUF có 1007 thành viên bao gồm các trường đại học công và đại học tư, các viện đào tạo đại học, mạng lưới các cơ sở và mạng lưới điều hành liên quan đến đời sống đại học. Hằng năm, AUF thực hiện và hỗ trợ thực hiện các dự án thúc đẩy trao đổi trong lĩnh vực học thuật giữa các đại học thành viên.
Tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ đặt Văn phòng đại diện của khu vực châu Á Thái Bình Dương từ năm 1992 và cho đến nay Việt Nam đã có 2 Đại học vùng và 41 trường Đại học và mạng lưới là thành viên của tổ chức này.