Hướng đến chất lượng cao
Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ đã báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác những kết quả nổi bật của ĐH Đà Nẵng đạt được, toàn diện trên các mặt công tác: Tổ chức cán bộ, Đào tạo - Tuyển sinh - Đảm bảo chất lượng và Kiểm định giáo dục, Khoa học Công nghệ, Hợp tác quốc tế, Công tác sinh viên, Kế hoạch-Tài chính, Cơ sở vật chất và đầu tư…
Trong năm qua, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng, Đề án thành lập Trường ĐH Quốc tế, trình Bộ GD&ĐT; Thành lập, đưa vào hoạt động Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh và một số viện, khoa, trung tâm trực thuộc; Thực hiện lộ trình Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Bí thư Đảng uỷ theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương; Ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý theo phân cấp, phân quyền của ĐH vùng, từ đó để các trường ĐH thành viên xây dựng, ban hành chiến lược phát triển…
Trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19, ĐH Đà Nẵng tiếp tục có mùa tuyển sinh thành công; tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học; đẩy mạnh giáo dục STEM, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo: Thêm 7 chương trình kiểm định trong nước, quốc tế, trong đó 4 chương trình đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA), nâng tổng số chương trình kiểm định, đạt chuẩn quốc gia, quốc tế lên 34 với 28 chương trình đạt chuẩn quốc tế; Nhiều năm liền trong Top hàng đầu các trường ĐH Việt Nam, Top 450 - 500 ĐH tốt nhất Châu Á…
Các điều kiện đảm bảo chất lượng tiếp tục được tăng cường: Tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ tăng nhanh, đạt 42%; Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đạt gần 67%; Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế tiếp tục phát triển: Thực hiện hơn 300 đề tài các cấp, công bố hơn 460 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín (WoS/Scopus); Tạp chí KHCN ĐH Đà Nẵng được vào Hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (ACI).
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, các trường ĐH danh tiếng trong và ngoài nước. Cán bộ, giảng viên và sinh viên đạt nhiều thành tích, giải thưởng uy tín trong nước, quốc tế. Đặc biệt có nhiều sản phẩm KHCN hữu ích được sáng chế, chuyển giao ứng dụng kịp thời hỗ trợ phòng chống dịch, được xã hội đánh giá cao…
Đẳng cấp của các đại học là từ đội ngũ chuyên gia
Trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và ĐH Đà Nẵng, hai vấn đề được thảo luận nhiều nhất là tiến độ của Dự án Làng đại học Đà Nẵng và chủ trương phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thông tin: Với Dự án Làng đại học Đà Nẵng, phần đất thuộc địa phận Quảng Nam rộng 190 ha, mật độ dân cư dày đặc. Chỉ tính riêng chi phí đền bù là hơn 2.000 tỷ đồng.
Tại các cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, ĐH Đà Nẵng đã đề xuất tỉnh Quảng Nam xem xét phương án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án như cách triển khai của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, sẽ sử dụng ngân sách của địa phương và thu hồi tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư cho dân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chủ trương thống nhất về phương án bố trí tái định cư của tỉnh Quảng Nam.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho rằng giải phóng mặt bằng không thể tách ra là một dự án riêng mà phải gắn với xây dựng cơ bản theo cách mà Đà Nẵng đang triển khai. Ngoài ra, cần phải huy động nguồn lực vốn từ nguồn xã hội hóa và các dự án PPP cho giải phóng mặt bừng và tái định cư. “Muốn phát triển thành một đại học mạnh không thể chỉ có nguồn đầu tư từ ngân sách được”, ông Trinh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, với Dự án Làng đại học Đà Nẵng, không thể "treo" lâu hơn nữa. “Vì vậy, nếu đã quan tâm thì cần quan tâm hơn nữa, đã ráo riết thì phải ráo riết hơn nữa. Thành phố Đà Nẵng đã xem sự phát triển của ĐH Đà Nẵng là một phần của thành phố, đây là môt sự thuận lợi nhưng đồng thời cũng là một thách thức. Chúng ta không chỉ xây cơ sở đại học ở chỗ mới, cốt sao cho có tòa nhà mọc lên mà phải đầu tư một khu đô thị đại học hiện đại, thông minh và đẳng cấp”, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng cùng quan điểm như vậy, ông Mai Văn Trinh khuyến nghị, Dự án Làng đại học Đà Nẵng là cơ hội rất lớn để ĐH Đà Nẵng mở rộng và phát triển. Do vậy, trong hoạch định, phải có tầm nhìn xa, ít nhất cũng phải được 100 năm, đầu tư theo hướng một đại học hiện đại, thông minh và xanh. “Chúng ta vừa xây dựng vừa khai thác nên xây dựng được đến đâu thì phải đảm bảo tính bền vững và khai thác có hiệu quả”, ông Trinh gợi ý.
Với kế hoạch thành lập ĐH Quốc tế trên cơ sở của Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cần phải xác định Trường Quốc tế nằm ở đâu trong chiến lược phát triển của ĐH Đà Nẵng để tránh chồng chéo trong đào tạo. Lĩnh vực đào tạo của trường này có gì khác so với các cơ sở đào tạo đại học hiện có của ĐH Đà Nẵng hay không?
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cần chú trọng 3 trụ cột trong chiến lược phát triển thành ĐH quốc gia: Nghiên cứu khoa học – công nghệ; Tái cơ cấu ngành nghề và xây dựng đội ngũ các chuyên gia đầu ngành.
Theo đó, Bộ trưởng gợi ý, về nghiên cứu khoa học, ĐH Đà Nẵng cần tiếp tục khắc phục khó khăn, phát triển tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất và các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ lớn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ĐH Đà Nẵng cần tập trung hình thành, phát triển đội ngũ chuyên gia trong từng ngành, lĩnh vực; đủ năng lực tư vấn, đề xuất, giải quyết các vấn đề cấp thiết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Muốn như vậy, cần tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhà khoa học hội nhập sâu rộng với các hoạt động học thuật, nghiên cứu, thể hiện uy tín, ảnh hưởng quốc tế.
Với một Đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực, ĐH Đà Nẵng cần tái cơ cấu ngành nghề đào tạo. Trong đó, cần tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách cho 3 nhóm ngành nghề ưu tiên gồm công nghệ và kỹ thuật, sư phạm và khoa học cơ bản có tính nền tảng. Đặc biệt, với lĩnh vực công nghệ cao, các trường thành viên phải tính đến nhân lực công nghệ cho ít nhất là 10 năm sắp tới để giải quyết nhân lực cho đất nước trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Nguồn lực từ ngân sách phải tập trung mạnh cho 3 nhóm ngành nghề ưu tiên đó. Các khối ngành còn lại có thể phát huy tự chủ đại học. Cần xem xét quy hoạch, định hướng phát triển các ngành nghề giải quyết nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho những năm tháng sắp tới chứ không nên đầu tư dàn trải”.