Thống nhất quan điểm về đại học vùng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đại học vùng là chủ trương rất đúng, trúng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ trương này đã có cách đây 30 năm và kiên định cho đến bây giờ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. |
Điều đó được thể hiện qua việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD Đại học. Trong quá trình xây dựng Luật, đại đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng mô hình đại học vùng là cần thiết. Qua thực tiễn cho thấy, 3 đại học vùng ngày càng được hoàn thiện.
Bộ trưởng nêu lên 4 quan điểm về xây dựng và phát triển đại học vùng: Thứ nhất là ủng hộ cao để 3 đại học vùng thực sự trở thành những hạt nhân, những động lực phát triển trong hệ thống đại học. Tất cả những gì không trái với quy định và đúng thẩm quyền của Bộ trưởng thì ưu tiên, tạo điều kiện cho đại học vùng.
Thứ hai, cơ cấu tổ chức hoạt động của đại học vùng phải tuân thủ theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và theo hướng cởi “nút thắt” trong các lĩnh vực từ tổ chức bộ máy cho đến các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kế hoạch tài chính... Tức là thực hiện quyền tự chủ cao. Nguyên tắc là, các đại học vùng trực thuộc Bộ thì phải tốt lên.
Thứ ba, tạo điều kiện tối đa cho các đại vùng, tiến tới không còn cơ quan chủ quản và hoạt động theo đúng ý nghĩa của đại học vùng.
Thứ tư, tất cả những gì trong 3 quan điểm đầu được gói vào trong Quy chế tổ chức hoạt động của đại học vùng. Bộ trưởng không can thiệp sâu đến các trường thành viên, mà chỉ ban hành Quy chế tổ chức của đại học vùng. Theo đó, các đại học vùng có trách nhiệm ban hành quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc trong đơn vị của mình.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất các quan điểm nêu trên; trong đó 3 quan điểm đầu có tính chất định hướng. Đối với quan điểm thứ tư, các đại biểu cho rằng, thống nhất cách tiếp cận, cơ cấu tổ chức đại học vùng là cơ cấu hệ thống các trường đại học và được gắn với nhau bởi quy chế. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động đại học vùng, còn các đại học vùng ban hành quy chế hoạt động đối với các đơn vị thành viên theo đúng quy định của pháp luật.
Đại học vùng không hướng tới mô hình đại học tổng hợp
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần làm rõ các trường thành viên trong đại học vùng khác với các trường đại học độc lập ở chỗ nào, sự khác nhau ấy phải được thể hiện trong quy chế. Như vậy các trường đại học vùng mới quản lý được các trường thành viên.
Theo Bộ trưởng, có mấy điểm khác nhau giữa các trường thành viên trong đại học vùng với các trường đại học độc lập. Một là, quy định về sử dụng nguồn lực chung. Các trường đại học độc lập không sử dụng nguồn lực chung một cách cơ hữu. Nhưng những trường thành viên trong đại học vùng sẽ được sử dụng nguồn lực chung. Khi tính toán đến các định mức, trong đó có nguồn lực cơ hữu thì các đơn vị đại học vùng sẽ được hưởng lợi, giống như Đại học Quốc gia.
Hai là, quy định dùng chung về cơ sở vật chất.
Ba là, các trường thành viên phải theo định hướng của đại học vùng. Chẳng hạn như, Đại học vùng định hướng nghiên cứu thì các trường thành viên phải có cùng sứ mệnh định hướng đó. Nói cách khác, các trường thành viên là những thành tố để hướng đến định hướng chung của đại học vùng.
Bốn là, trong những trường hợp có ngành nghề hoặc có hoạt động trùng lắp thì phải chịu sự chi phối, điều tiết của lãnh đạo hội đồng đại học vùng.
Năm là, khi thành lập chia tách tổ chức thì phải tuân thủ hội đồng đại học vùng.
Đại biểu phát biểu tại buổi làm việc |
Theo Bộ trưởng, đại học vùng được quyền chủ động để cơ cấu lại, sắp xếp lại mô hình đại học vùng trong thẩm quyền. Mô hình đại học vùng hướng tới không phải là đại học tổng hợp mà là mô hình hệ thống trường đại học.
“Như vậy, mối quan hệ giữa đại học vùng với các trường thành viên là mối quan hệ hữu cơ, dưới sự định hướng chỉ đạo của đại học vùng. Điểm mấu chốt là, giám đốc đại học vùng phải có quyền để cơ cấu lại các đơn vị thành viên sao cho hợp lý và đúng với quy định của pháp luật” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Gốc của vấn đề là các trường thành viên cũng phải tự chủ nhưng không phải tự chủ như các trường đại học độc lập. Đầu mối để tiếp nhận các thông tin chỉ đạo phải là đại học vùng. Theo đó, giám đốc sẽ là người chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về đầu mối này; hiệu trưởng các trường thành viên không chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.