Đa dạng hóa phương thức đầu theo dựa trên chuẩn đầu ra
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau khi Nghị quyết 103 của Chính phủ được ban hành, cùng chương trình hành động cụ thể thông qua Nghị quyết 08 của Trung ương về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ GD&ĐT đã ban hành rất nhiều chính sách, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực nói chung phục vụ cho phát triển du lịch.
Đầu tiên là việc Bộ GD&ĐT đã rà soát mở các mã ngành, nhóm ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức đào tạo được linh hoạt, phối hợp với các doanh nghiệp theo hướng tạo ra hệ sinh thái trong đào tạo.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định 4929 mang tính đột phá (Thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam) nhằm tạo điều kiện chuyển nhiều sinh viên ngành sư phạm, ngành khác... có nhu cầu chuyển sang ngành du lịch thì được chuyển.
Bộ GD&ĐT đã ban hành một đề án trong đó tạo phương thức đào tạo gắn kết với thực tiễn và quy định thời gian đào tạo trong doanh nghiệp ít nhất phải 30%.
Thực tế, với chính sách này rất nhiều sinh viên không phải đào tạo từ đầu, mà chuyển sang đào tạo những kỹ năng về du lịch đã làm việc rất tốt.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài gòn trong một giờ trải nghiệm, thực tập |
Theo Bộ trưởng, sắp tới đây Bộ GD&ĐT sẽ làm mạnh hơn nữa để làm sao công nhận các tín chỉ, công nhận các kỹ năng mà các công ty, các tập đoàn đã huấn luyện trong cấu phần tạo nên một chứng nhận hành nghề chuyên nghiệp, cũng như căn cứ vào khung trình độ quốc gia ASEAN, khung trình độ quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực ngành du lịch để tham chiếu.
Qua các giải pháp trên, chúng ta sẽ đa dạng hóa phương thức đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra theo chuẩn quớc gia, nhằm hướng đến việc thống nhất việc thực hiện kiểm định chất lượng.
Khuyến khích xã hội hóa, doanh nghiệp cùng tham gia vào giảng dạy
Điểm thứ hai trong giải pháp thúc đẩy chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết cũng đã nhìn thấy nhu cầu cung và cầu của ngành này. Cầu thì rất nhiều nhưng cung thì hạn chế. Thực tế hạn chế hay không theo Bộ trưởng chưa khẳng định, nhưng dưới tác động về cơ chế chính sách của ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT thấy có nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
“Việc rà soát sắp xếp lại theo hướng phân bổ không gian, gắn với các vùng có phát triển du lịch, để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học và thực hành ngay tại chỗ là việc mà Bộ GD&ĐT sẽ tập trung làm.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ làm việc với các bộ, ngành khác để khuyến khích xã hội hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác đào tạo, nhằm tạo ra một chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo và sử dụng...”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Tháo gỡ cụ thể mà Bộ GD&ĐT đã thực hiện chính là việc linh hoạt lĩnh vực đào tạo, tăng đào tạo thực tiễn; gắn đào tạo ở các khách sạn nhà hàng, môi trường du lịch, gắn đào tạo với hàn lâm.
Song song đó, cho phép việc chuyển đổi mã ngành giữa sơ cấp, trung cấp, CĐ, ĐH (nằm trong khung trình độ quốc gia) đã mang lại sự linh hoạt cho người học, thậm chí nhiều em chỉ học sơ cấp, trung cấp du lịch sau đó chuyển sang CĐ, ĐH một cách thuận lợi, chứ không quy định cứng như trước đây. Đó là hướng mà Bộ GD&ĐT sẽ làm cho tốt hơn trong thời gian tới.
Bộ GD&ĐT cũng phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành khác rà soát sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch theo hướng chuẩn hóa. Vì theo Bộ trưởng nếu chúng ta không chuẩn hóa được chất lượng, không chuẩn hóa được trường và chương trình thì đầu ra mỗi người học một chuẩn, sẽ rất khó cho chính người học lẫn doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019, 9 Trường ĐH có đào tạo nhân lực Du lịch trên địa bàn TPHCM đã ký kết hợp tác với nhau, hướng điến việc nâng chất lượng đào tạo và thống nhất chuẩn đầu ra |