Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang xây dựng kế hoạch, dự kiến sau khai giảng năm học 2024 - 2025 sẽ tổ chức thăm dò nguyện vọng lựa chọn môn đăng ký thi tốt nghiệp THTP của học sinh khối 12. Cùng đó, nhà trường tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm cho khối 12 ở các môn học nằm trong danh sách môn lựa chọn thi tốt nghiệp THPT.
Thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn thông tin: “Đây sẽ là hai căn cứ quan trọng để nhà trường quyết định việc xây dựng phương án tổ chức lớp học. Với 2 môn lựa chọn còn lại, môn học nào học sinh có nguyện vọng đăng ký đông, nhà trường sẽ cân nhắc đến phương án “xáo” lớp truyền thống để sắp xếp lại. Nguyên tắc là không xáo trộn lớp theo tổ hợp nhóm môn lựa chọn mà học sinh đã đăng ký từ lớp 10”.
Theo lý giải của thầy Phạm Thạch Sinh, việc sắp xếp lớp mới sẽ đảm bảo cho việc đồng bộ tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT của năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 được hiệu quả. Trong trường hợp lựa chọn của học sinh ở các môn học quá phân tán, thì học sinh sẽ có 2 lớp: Lớp truyền thống và lớp ôn tập 2 môn lựa chọn. Có thể lớp ôn tập 2 môn này sẽ tổ chức vào trái buổi hoặc các tiết trống cùng buổi học.
Theo thống kê sơ bộ, hiện học sinh khối 12 của Trường THPT Bình Sơn chủ yếu nghiêng về lựa chọn các môn Khoa học tự nhiên như Vật lý - Hóa học hoặc Hóa học - Sinh học. Một lựa chọn khác nữa là Vật lý và Anh văn. Số học sinh lựa chọn các môn nghiêng về khối Xã hội gồm Lịch sử - Địa lý vừa đủ để biên chế thành một lớp học. Thầy Phạm Thạch Sinh cho rằng, việc tổ chức lại lớp cho khối 12 vì vậy sẽ không gặp quá nhiều khó khăn.
Tương tự, Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng khảo sát nguyện vọng của học sinh lớp 12 về lựa chọn môn thi tốt nghiệp THTP ngay từ đầu năm học mới. “Nhà trường sẽ tổ chức gặp mặt cha mẹ học sinh khối 12 sớm để truyền thông một số nét mới trong dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, theo đó, từ 3 + 3 sẽ còn 2 + 2 để phụ huynh nắm rõ.
Với 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, trường tổ chức vừa dạy học vừa tăng tiết ôn tập từ đầu năm học thông qua chuyên đề học tập. Với 2 môn lựa chọn còn lại, tùy theo số lượng đăng ký của học sinh và nguyện vọng của phụ huynh, có thể sẽ tổ chức ôn tập từ đầu năm học hoặc bắt đầu từ học kỳ II”, thầy Hiệu trưởng Bùi Minh Quảng cho hay.
Cho dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều thay đổi trong phương án thi nhưng theo ghi nhận từ ban giám hiệu các trường THPT, không có xáo trộn lớn trong công tác dạy - học và kiểm tra đánh giá.
Thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng: “Với những môn học sinh không lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, nhưng các em vẫn tham gia những bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Đề kiểm tra theo đúng ma trận và áp dụng cho toàn khối, không phân biệt môn thi tốt nghiệp hay không”.
Tại Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2024 - 2025 đã dựa trên kế hoạch giáo dục của các tổ chuyên môn, trong đó chú trọng đến kiểm tra - đánh giá theo hướng tiếp cận với đề minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó.
Từ học kỳ II năm học học 2023 - 2024, Trường THPT Võ Chí Công triển khai những bước đi ban đầu trong thay đổi cách kiểm tra - đánh giá để học sinh dần thích ứng với những yêu cầu đổi mới. “Từ đầu năm học mới, mỗi bộ môn đều xây dựng ngân hàng đề bám sát định dạng đề mô phỏng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để áp dụng trong kiểm tra - đánh giá với tất cả khối lớp”, thầy Hiệu trưởng Phạm Đình Kha trao đổi.
Thông tin thăm dò môn lựa chọn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Chí Công để giáo viên tham khảo trong quá trình dạy học. “Lớp học sẽ duy trì như trước đây vì môn Ngữ văn và Toán, học sinh được tăng cường theo hướng vừa dạy học vừa ôn tập dạng cuốn chiếu.
Với những môn học còn lại, thầy cô giáo sẽ dạy học như nhau, không phân biệt học sinh đăng ký thi hay không để vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục. Thông tin môn lựa chọn thi tốt nghiệp THPT của học sinh là để thầy cô lưu tâm hơn khi chấm chữa bài, để các em tiếp cận hơn với những câu hỏi mang tính chất phân hóa”, thầy Phạm Đình Kha chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công khẳng định, chuyển từ 3+3 thành 2+2 sẽ không có nhiều xáo trộn trong dạy - học và ôn tập thi tốt nghiệp THPT ở các trường. Điều khác biệt là việc được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT từ sớm, theo thầy Phạm Đình Kha, sẽ trả lại việc thi cử theo đúng năng lực, nhu cầu định hướng nghề nghiệp của học sinh. Các em chủ động hơn trong phân bố, đầu tư thời gian cho từng môn học tùy thuộc vào mục tiêu học tập.
Thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: “Với Chương trình GDPT 2018, số môn học giảm xuống sẽ có nhiều thời gian để tăng tiết cho học sinh khối 12. Tuy nhiên, tăng tiết ở môn nào, tăng thế nào thì ban giám hiệu sẽ căn cứ trên đề xuất của các tổ chuyên môn. Như những năm học trước, môn Ngữ văn và Toán có một tiết bám sát/tuần ngay từ đầu năm học. Thường thì tổ chuyên môn sẽ đề xuất tăng cường từ 1 - 2 tiết/tuần, tùy theo chất lượng học sinh của năm học trước đó”.
Theo khảo sát sơ bộ của Trường THPT Trần Cao Vân, học sinh lựa chọn môn Anh văn vẫn chiếm số lượng lớn. “Với những em có thế mạnh môn Ngoại ngữ vẫn tiếp tục đầu tư học tập vì đây là môn công cụ, các trường đại học, cao đẳng xem đây như môn điều kiện trong xét tốt nghiệp. Trong truyền thông về đổi mới thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhà trường vẫn nhấn mạnh, dù ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc nhưng học sinh cần xác định động cơ, mục tiêu học tập phù hợp để có kết quả tốt”, thầy Tấn nói.
Từ lớp 10, học sinh được tư vấn lựa chọn nhóm môn học tập phù hợp với năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, về cơ bản, việc lựa chọn và tổ chức ôn tập 2 môn còn lại trong số 4 môn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ rất thuận lợi, không gặp nhiều khó khăn. - Thầy Bùi Minh Quảng (Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà - TP Đà Nẵng)
Tác giả bài viết: Hà Nguyên
Ý kiến bạn đọc