Chiều 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Quan tâm đến quy định về xây dựng phát triển và mở rộng mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Điều 22 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, đây là quy định khác về quy định liên quan cơ sở giáo dục trong pháp luật về giáo dục.
Vấn đề này đã được nêu tại báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Dự thảo luật đã đưa ra mô hình chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục, trong đó có cơ sở giáo dục chất lượng cao; chưa làm rõ tiêu chí được công nhận chất lượng cao.
Đại biểu cho biết, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, báo cáo tổng kết thi hành luật chưa đánh giá sâu về những kết quả, tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định về trường chất lượng cao.
Về chất lượng dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn Thủ đô, báo cáo đánh giá tác động cũng chưa đề cập đến các chính sách phát triển các trường chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học.
Dự thảo luật có bổ sung khái niệm về cơ sở giáo dục chất lượng cao tại khoản 5 Điều 3 nhưng mới đề cập các tiêu chí đầu vào mà chưa rõ tiêu chí đầu ra là chân dung - nhân cách học sinh - trung tâm của quá trình giáo dục - mục tiêu giáo dục.
Nhiều năm qua, cơ sở giáo dục của Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hoá nhanh. Có những trường sĩ số học sinh trên 60 em/ lớp, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nêu thực tế. Hiện, Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà.
Chính sách đặc thù khi đầu tư, nhân rộng xây dựng trường chất lượng cao, học phí cao, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao. Theo đại biểu, cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, trong lành; hạnh phúc, không trái với các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công lập.
Song song với đó, đại biểu đề nghị Hà Nội tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan toả cho giáo dục phổ thông cả nước; đồng thời đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyện vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công.
Liên quan đến việc quy định cơ sở giáo dục mầm non phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, Điều 107 Luật Giáo dục quy định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác về giáo dục giữa cơ sở giáo dục của Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, yêu cầu giáo dục và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Theo quy định pháp luật hiện hành, Chính phủ chưa cho phép các trường công phổ thông, mầm non thực hiện liên kết với giáo dục nước ngoài. Hiện, nước ta cũng chưa cam kết về dịch vụ giáo dục phổ thông với Tổ chức Thương mại thế giới.
Vì vậy, việc đưa nội dung này vào quy định của Luật cần quan tâm làm rõ các điều kiện cần thiết, cơ chế vận hành, quản lý giám sát… trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật.
Theo đại biểu, đây là chính sách mới, cần có thí điểm và tổng kết đánh giá sâu sắc. Vì vậy, cân nhắc việc áp dụng đối với tất cả cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập Hà Nội.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc