Sáng 15/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động khoa học và công nghệ năm 2024 tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các vụ thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Kinh tế TPHCM cùng lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm.
Công bố khoa học trong nước được đẩy mạnh
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Anh Tiến) |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín trong hệ thống Web of Science/Scopus.
Những thành quả đó góp phần tăng cường sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên bình diện quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế về giáo dục đại học.
Các trường hiện nay ngày càng chủ động trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Theo Thứ trưởng, số lượng các công bố quốc tế của các trường đại học ngày càng được chú trọng đẩy mạnh.
Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp quan trọng, thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.
Theo thống kê năm 2023, cán bộ, giảng viên, nhà khoa học đã công bố được 10.043 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, chất lượng các công bố ngày càng được nâng cao.
Điều đó thể hiện sự quan tâm của các đơn vị trong việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu – công bố – phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học.
"Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy chất lượng nghiên cứu khoa học trong nước đã có thay đổi. Cùng với đó, những nghiên cứu và các tạp chí trong nước cũng đã có sự cải tiến đáng kể, hội nhập nhanh", thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Các trường cần hợp tác để trao đổi kinh nghiệm
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh việc nghiên cứu khoa học và chiến lược đào tạo là vấn đề cốt lõi trong hoạt động của từng cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, các trường cần trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ.
Theo thứ trưởng, mỗi trường có những điều kiện, chiến lược, sứ mạng và tầm nhìn của mình nên điều kiện thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ cũng khác nhau. Việc các trường cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm rất quan trọng.
" Thông qua hoạt động khoa học và công nghệ, mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và khu vực doanh nghiệp được tăng cường; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh" - Thứ trưởng nói.
Theo thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, kết quả nghiên cứu khoa học phụ thuộc lớn đến sự chủ động của nhà trường. Thực tiễn cho thấy đã có rất nhiều hoạt động thành công đều mang tính tự chủ của nhà trường.
Bên cạnh đó, hoạt động khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ nên tăng cường ứng dụng công nghệ chuyển giao.
Ngoài một số trường đã có kết quả tích cực vẫn còn các trường triển khai có nhiều khó khăn hạn chế về số lượng các bằng phát minh sáng chế và các giải pháp hữu ích, đây là vấn đề ưu tiên trong thời gian tới.
Tại hội nghị, TS. Vũ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày báo cáo tóm tắt Kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023 và Triển khai kế hoạch năm 2024.
TS. Vũ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Anh Tiến) |
Qua hội nghị, thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc mong muốn các đại biểu từ những thực tiễn của các cơ sở giáo dục đại học cần trao đổi rộng hơn những vấn đề liên quan khoa học công nghệ ở các trường. Từ đó, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Khoa học Công nghệ đề ra những chính sách quy định thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ.
Ý kiến bạn đọc