GD bản lĩnh chính trị - GD lòng yêu nước
Theo TS. Phan Thị Thu Trang – Giảng viên Khoa Khoa học xã hội nhân văn và Tâm lý, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Dự thảo Văn kiện đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục, đào tạo đáp ứng được tính hiện đại, khoa học: “Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo”. Tuy nhiên, dù hiện đại, đổi mới và phát triển theo cách nào, chúng ta vẫn cần phải dành phần thích đáng cho việc giáo dục bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ Việt Nam.
TS. Phan Thị Thu Trang phân tích: Trong tác phẩm Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh đã thuật lại: “Tôi tham gia Đảng xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà ấy” (thời đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) – đã tỏ đồng với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 561).
Là một chàng thanh niên với trái tim yêu nước nồng nàn, bơ vơ giữa các học thuyết Phương Đông, Phương Tây, Nguyễn Ái Quốc khi đó đã sớm nhận ra rằng chỉ có lòng yêu nước thôi là chưa đủ để đem lại độc lập, tự do và giải phóng dân tộc mình. Lòng yêu nước của tuổi thanh niên sôi nổi cũng rất dễ bị lợi dụng bởi những luận điệu, những học thuyết phù phiếm, ảo tưởng. Chỉ đến khi được trao tay “Luận cương của Lê nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, chàng thanh niên yêu nước khi ấy mới tìm được chân lý và con đường để bền gan vững chí cho sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ.
“Câu chuyện này để thấy rằng, đại bộ phận thanh niên khi được học tập, lao động và rèn luyện dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đều là những người có lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có nhận thức tốt về vai trò và trách nhiệm của bản thân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nếu chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, bộc trực thôi chưa đủ. Quan trọng là cần phải định hình lý tưởng, xây dựng bản lĩnh, giáo dục ý thức chính trị cho thế hệ trẻ Việt Nam, giúp họ hiểu được Đảng là gì, chủ nghĩa xã hội là gì, chủ nghĩa cộng sản là gì…”, TS. Phan Thị Thu Trang nêu quan điểm.
Cần chú trọng giáo dục lý luận chính trị cho lớp trẻ
Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên cần được quan tâm sát sao và đưa ra thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Học không bao giờ là đủ, học không biết đến đâu là kết thúc, học để làm một người trẻ tuổi có phẩm chất cách mạng lại càng phải kiên trì tôi luyện và rèn giũa. Vì thế, không bao giờ được xem nhẹ công tác này.
TS. Phan Thị Thu Trang cho rằng: Giáo dục lý luận chính trị trong bối cảnh ngày nay chịu nhiều yếu tố tác động khác nhau nhưng yêu cầu cao nhất đó là phải theo kịp trình độ phát triển của xã hội, trình độ nhận thức của đối tượng chịu tác động từ công tác tư tưởng. Nếu không theo kịp những vấn đề này thì chắc chắn chúng ta sẽ thua trong “cuộc chiến” giành tầm ảnh hưởng tư tưởng, truyền bá hệ tư tưởng… Khi ấy, chúng ta sẽ có những con người luôn hoài nghi, dễ bị kích động, lôi kéo bởi các thế lực thù địch.
Những năm qua, các thế lực phản động, thù địch không ngừng chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ra sức chống phá Đảng và Nhà nước ta trên mọi lĩnh vực. Đối tượng mà chúng thường xuyên hướng tới và tác động vào đó chính là thanh niên. Những người trẻ tuổi được tiếp cận nhanh chóng với các thông tin, với đa dạng các loại hình phương tiện. Tình hình thực tế cho thấy, các thông tin xuyên tạc, sai trái xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng. Các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều chiêu bài, nhiều âm mưu khác nhau để tấn công ta. Một trong những phương thức của chúng là lôi kéo, kích động thanh niên về phía chúng để tuyên truyền bôi nhọ Đảng, Nhà nước; phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Trong tình hình hiện nay, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên đang thực sự đặt ra rất nhiều vấn đề quan trọng: cung cấp đầy đủ thông tin đáp ứng nhu cầu về nhận thức; giáo dục đạo đức, phẩm chất cách mạng nhưng không quên nâng cao bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ.
Với góc nhìn của một giảng viên trường Chính trị, TS. Phan Thị Thu Trang nhận định: Với mục tiêu hướng đến quá trình giáo dục - đào tạo sẽ đóng góp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải xác định, bên cạnh những kỹ năng, chuyên môn, tay nghề, năng lực, trình độ thì nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta còn phải đảm bảo có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng để kiên định với con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.