Năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố dự kiến tăng chỉ tiêu so với năm trước. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển hơn 7.600 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước; trong đó có chỉ tiêu của ngành mới mở là An toàn thông tin.
Năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học, tăng 2.600 chỉ tiêu so với năm 2023. Tăng chỉ tiêu do trường dự kiến mở 7 ngành mới gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính. Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 7.000 sinh viên, tăng 2.000 chỉ tiêu so với năm ngoái, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho hay.
Theo các chuyên gia, tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho thấy sự năng động, nhạy bén của cơ sở giáo dục đại học trước nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, các trường cần chú ý đến năng lực đào tạo và quy định hiện hành để không rơi vào tình cảnh “vượt rào” dẫn đến bị xử phạt.
Cuối tháng 1 vừa qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố Kết luận thanh tra số 03/KL-TTr về công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Trường ĐH Trưng Vương (Vĩnh Phúc). Theo đó, Kết luận thanh tra chỉ ra một số vi phạm của trường trong quá trình thực hiện tuyển sinh, quản lý đào tạo. Trong đó có vi phạm về công tác tuyển sinh; tổ chức quản lý đào tạo; bảo đảm điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu đào tạo ngành tại thời điểm thanh tra.
Về kết quả tuyển sinh, năm 2020, Trường ĐH Trưng Vương tuyển đại học vừa làm, vừa học khối ngành III 747 sinh viên/100 chỉ tiêu thông báo, vượt 647 chỉ tiêu; khối ngành VI, trường tuyển 34 sinh viên/30 chỉ tiêu thông báo, vượt 4 chỉ tiêu. Năm 2021, trường tuyển đại học liên thông vừa làm vừa học 108 sinh viên/54 chỉ tiêu theo năng lực tuyển sinh, vượt 54 chỉ tiêu.
Cũng năm 2021, ngành Luật Kinh tế trình độ thạc sĩ, Trường ĐH Trưng Vương tuyển sinh vượt chỉ tiêu và Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với trường về hành vi vi phạm. Năm 2022, lĩnh vực sức khỏe hệ vừa làm vừa học, trường tuyển vượt 472 chỉ tiêu, tương đương vượt 737,5%... Kết luận thanh tra yêu cầu, Trường ĐH Trưng Vương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm (nếu có) của cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo.
Cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, xử lý cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc thường niên của Bộ GD&ĐT. Bộ luôn đề nghị các cơ sở đào tạo tăng cường công tác thanh tra nội bộ, giúp hội đồng trường, ban giám hiệu phát hiện sớm hạn chế, thiếu sót hoặc vi phạm của nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Hệ thống thanh tra sẽ tiếp tục thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định pháp luật.
Cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Trưng Vương. Ảnh: Internet |
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối giáo dục đại học, ông Nguyễn Đức Cường khẳng định, năm học 2023 – 2024, Bộ tiếp tục rà soát tổng thể các văn bản liên quan đến công tác thanh/kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” (Nghị định 04) và ban hành hướng dẫn công tác thanh/kiểm tra nội bộ, thanh tra tuyển sinh năm 2024 đối với cơ sở giáo dục đại học; đồng thời ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2024 và kế hoạch kiểm tra năm 2024 của Bộ GD&ĐT.
Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành với cơ sở giáo dục đại học; tư vấn, thúc đẩy cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện. Trong đó tập trung công tác thanh tra công vụ, tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo, mở ngành, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và trách nhiệm giải trình xã hội của cơ sở giáo dục đại học, kiểm định chất lượng giáo dục…
“Vì vậy, mùa tuyển sinh năm nay, tôi mong không có cơ sở đào tạo nào bị rơi vào tình cảnh này. Không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà trường, nguy hại hơn là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước”, GS.TS Nguyễn Đình Hương nêu quan điểm.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bên cạnh những cơ sở giáo dục đại học thực sự năng động, tăng chỉ tiêu tuyển sinh và chủ động “đón đầu” xu thế thì có trường cố tình “làm ẩu”, chạy theo số lượng. Hệ quả là tuyển sinh vượt chỉ tiêu và có thể bị “tuýt còi” xử phạt.
Cần xử phạt thật nghiêm đơn vị vi phạm trong tuyển sinh đại học nhằm răn đe, ngăn chặn hành vi tái diễn trong những năm tới, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đặt vấn đề. Theo đó, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát và không thể buông lỏng quản lý chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.
“Hiệp hội sẽ nhắc nhở, khuyến nghị các trường thành viên thực hiện đúng quy định trong công tác tuyển sinh, đào tạo trong mùa tuyển sinh năm 2024. Nếu trường nào vi phạm, tuyển sinh vượt chỉ tiêu khi năng lực đào tạo có hạn thì tùy theo mức độ, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, đồng thời đề xuất nên có “độ mở” cho phép trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong giới hạn cho phép.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khuyến nghị, các trường không vì lợi ích trước mắt mà “nhắm mắt” làm sai. Thời gian qua, một số cơ sở giáo dục đại học sai phạm trong tuyển sinh bị xử phạt sẽ là hồi chuông cảnh báo cho các trường trước mùa tuyển sinh năm 2024.
Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 04, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; Không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc