Chủ động dạy trực tuyến khi có diễn biến dịch xuất hiện
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, từ sáng 5/11, toàn bộ học sinh từ Mầm non đến THCS huyện Thạch Hà đã nghỉ học để đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đối với các trường THCS và THPT huyện Thạch Hà sẽ chuyển sang học trực tuyến.
Theo thầy Phan Thanh Ngọc, phó Hiệu trưởng trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà), sau khi có thông tin về các ca nhiễm Covid-19 mới và chỉ đạo của UBND huyện Thạch Hà, nhà trường đã cho 1.537 học sinh nghỉ học để chuyển sang học trực tuyến. Từ đầu năm đến nay nhà trường vẫn triển khai song song cả 2 hình thức dạy học. Việc dạy học trực tuyến đã được BGH nhà trường xây dựng kế hoạch từ đầu năm học nên giáo viên rất chủ động, linh hoạt trong giảng dạy.
“Riêng về thiết bị dạy học cho học sinh, nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm rà soát, lập danh sách các trường hợp khó khăn để có phương án hỗ trợ”, thầy Ngọc cho hay.
Tại TP Hà Tĩnh, qua rà soát, có 19 trường học trên địa bàn có trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh. Tại trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh), nhà trường đã triển khai dạy học trực tuyến từ chiều ngày 5/11, cho toàn bộ học sinh trong nhà trường.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đầu năm nhà trường để xây dựng kế hoạch học trực tuyến khi xảy ra tình huống bất ngờ. Vì vậy sau khi có chỉ đạo từ các cấp, chúng tôi đã linh hoạt chuyển đổi, giáo viên cũng rất chủ động trong việc này. Tạm thời các giáo viên liên quan đến các ca bệnh sẽ ở nhà dạy và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, còn các giáo viên khác vẫn đến trường dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu”.”, thầy giáo Trần Thanh Kiên, Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Thiêm chia sẻ.
Hỗ trợ đồng nghiệp F0
Là một trong những đơn vị có nhiều giáo viên và học sinh mắc Covid-19, trường THPT Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), dự kiến sẽ tổ chức học trực tuyến muộn hơn so với các trường khác. Qua rà soát, trường THPT Kỳ Lâm có 3 giáo viên và 6 học sinh tại lớp 10G dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, khoảng hơn 400/843 cán bộ, giáo viên, học sinh là F1 của các ca dương tính trên.
Hiện, nhà trường đang phối hợp với ngành y tế để rà soát và lấy mẫu xét nghiệm tất cả các giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh trong trường. Chính vì vậy, việc học trực tuyến được Ban giám hiệu nhà trường dời lại vào ngày mai (10/11).
“Do xuất hiện các ca mắc Covid-19 nên việc kiểm tra giữa kỳ tại các lớp đang bị gián đoạn, vẫn còn 5-7 lớp chưa hoàn thành. Nhà trường thực hiện theo quy định của ngành Giáo dục sẽ hoàn tất việc kiểm tra khi nào các em đi học trực tiếp trở lại. Những ngày qua, giáo viên đang phối hợp với phụ huynh để làm công tác tư tưởng ổn định tâm lý cho các em thông qua các nhóm Zalo, Facebook của lớp.
Đối với lớp 10G nơi có nhiều học sinh mắc Covid-19, BGH nhà trường cũng tham gia vào các nhóm để trấn an tình thần các em. Đến nay, mọi thứ đã ổn định có thể triển khai học trực tuyến vào ngày 10/11”, thầy giáo Võ Tiến Hùng, trường THPT Kỳ Lâm thông tin.
Tuy nhiên, để triển khai dạy học trực tuyến tại trường THPT Kỳ Lâm khá khó khăn. Bởi, toàn trường có hơn 40 cán bộ giáo viên, nhưng khoảng 1/2 trong số này là các ca F0 và F1 đang phải điều trị, cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Để bố trí giáo viên đứng lớp dạy trực tuyến đang là bài toán khó của nhà trường.
“Nhà trường vốn đã thiếu giáo viên, việc có ca F0 là giáo viên càng khiến nhà trường không thể thực hiện dạy học trực tuyến 1 tuần 28 tiết như quy định. Hiện nay, có 18 giáo viên đang cách ly tại trường. Ngoài ra, do địa bàn miền núi nên đường truyền tại đây rất yếu cũng khiến việc dạy trực tuyến của giáo viên tại trường thêm hạn chế”, thầy Hùng trăn trở.
Để khắc phục khó khăn, các giáo viên bộ môn tại trường đã xung phong tăng tiết đảm nhiệm thêm công việc của các giáo viên F0 đang điều trị.
“Trước mắt, nhà trường chỉ dạy 3 tiết/ngày, các giáo viên bộ môn phải tăng tiết để đảm nhiệm thêm công việc của giáo viên F0. Dù chưa đủ số tiết theo quy định nhưng chúng tôi cũng không thể đủ giáo viên để bố trí thêm tiết học”, thầy Hùng cho biết.