Đây là lưu ý của ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) – tại hội thảo “Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông khu vực trung du và miền núi phía Bắc” do Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục phối hợp với Trường ĐH Tân Trào tổ chức sáng 6/3 tại Tuyên Quang.
Hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động triển khai rà soát về hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập hiện hành; đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác bổ nhiệm, xếp lương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập sau 5 năm thực hiện (từ 2015 đến 2019).
Bên cạnh nội dung trên, để thực hiện có hiệu quả các chính sách về đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục, nhất là các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, trong giai đoạn 2019-2020, ông Phạm Tuấn Anh cũng đề nghị địa phương, cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp; về công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT triển khai năm 2019, việc rà soát, nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục theo quy định mới là một nội dung quan trọng được Lãnh đạo Bộ giao cho Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục là đơn vị đầu mối, phối hợp với các Cục/Vụ thực hiện. Đây là công việc triển khai thực hiện theo Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức.
Trong đó, cần tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục hiểu đúng về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các quy định liên quan để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Đồng thời, chủ động rà soát các quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp; về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp; phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Khải Hoàn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Trào phát biểu tại hội thảo |
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, năm 2019 là thời điểm ngành Giáo dục triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng và cấp bách khi phải gấp rút chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ phục vụ triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021; đồng thời triển khai thực hiện các Nghị quyết trung ương về sắp xếp, dồn dịch, cơ cấu lại hệ thống đơn vị sự nghiệp và tinh giản biên chế, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Trong bối cảnh đó, Bộ GD&ĐT tạo tiến hành rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; nghiên cứu, cập nhật các quy định mới để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản nêu trên đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Báo cáo rà soát tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đáp ứng yêu cầu mới, bà Nguyễn Thị Hương, chuyên viên chính Phòng Chính sách NGCB (Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục) cho rằng: thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên là một nội dung quản lý mới và khó trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục. Bởi ngành Giáo dục một mặt phải thực hiện Chương trình giáo dục và các quy định của Luật Giáo dục, đồng thời đội ngũ nhà giáo cũng là viên chức nên chịu sự quản lý của Luật Viên chức.
Trong giai đoạn từ năm 2012-2018, Bộ GD&ĐT đã hết sức nỗ lực trong triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tế giáo dục của các địa phương, đơn vị, vừa đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa trong quản lý viên chức theo tinh thần của Luật Viên chức.
Bà Nguyễn Thị Hương, chuyên viên chính Phòng Chính sách NGCB (Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục) báo cáo rà soát tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên |
Dù còn một số hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện hệ thống quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên nhưng có thể nói, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tích cực vào cuộc trong chỉ đạo, thực hiện để chuyển đổi toàn bộ hệ thống viên chức từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp; tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Kết quả đạt được có thể đây đó còn chưa được như mục tiêu mong đợi, song phải khẳng định và ghi nhận đó là những nỗ lực của toàn ngành trong triển khai thực hiện Luật Viên chức.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng tập trung chia sẻ về thực trạng triển khai thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý. Đồng thời báo cáo thực trạng về các vị trí việc làm có sử dụng tiếng dân tộc thiểu số; thực trạng công tác bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên mầm non, phổ thông trên địa bàn và những khó khăn, bất cập (nếu có).
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục đã tặng hoa chúc mừng tân Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, ông Vũ Đình Hưng |
Trên cơ sở đó, đại diện các địa phương, cơ sở giáo dục khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã có những kiến nghị, đề xuất với Bộ GD&ĐT một số nội dung liên quan để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu mới.
Đại diện Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục cũng có những trao đổi, chia sẻ, giải đáp vướng mắc của các địa phương, cơ sở giáo dục liên quan đến hội thảo; đồng thời định hướng các đại biểu tham gia góp ý kiến thông qua phiếu rà soát, xin ý kiến trực tiếp của các đại biểu tham dự.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ phát biểu tại hội thảo |
Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I cho giáo viên THCS, THPT trong toàn quốc. Đã có 2.562 giáo viên THCS, THPT đủ điều kiện được tham dự kỳ thi thăng hạng năm 2018, những giáo viên đạt yêu cầu cho đến nay đã được các địa phương bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng I.
Ngoài ra, đối với giáo viên các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II. Đã có 180 giáo viên THPT của các đơn vị sự nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ đủ điều kiện tham dự kỳ xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II năm 2018.