Cô bảo mẫu trên đỉnh Co Kham

Chủ nhật - 03/02/2019 21:00 468 0

Cô bảo mẫu trên đỉnh Co Kham

GD&TĐ - “Hồi nhỏ không được học mẫu giáo, thế nên em nuôi ước mơ sẽ trở thành cô giáo mầm non để dạy học cho chính con em dân bản mình, để tương lai các cháu không còn mờ mịt!”, cô giáo mầm non trên đỉnh núi Co Kham Lò Thị Lan tâm sự. Ngót nghét gần 10 năm nay, cô đã và đang “nối dài” ước mơ cho bao thế hệ trẻ em vùng cao nơi đây!

Nuôi ước mơ làm cô giáo

Những ngày đầu tháng Chạp, cái rét tê tái đặc trưng của vùng cao Tây Bắc len lỏi, bao phủ khắp các bản làng. Dòng sông Mã hiền hoà uốn lượn như muốn kể câu chuyện về những người con sinh ra và lớn lên đang âm thầm xây dựng quê hương.

Sau hành trình gần 100km từ thành phố đến trung tâm xã Mường Luân (Điện Biên Đông, Điện Biên), chúng tôi tiếp tục thuê xe ôm ở bản Mường Luân 2, luồn lách gần 5km đường rừng. Ba “con dao quăng”, cách tính chiều dài cung đường của người bản địa để đến được trường Mầm non Co Kham thôi, thế mà cũng phải mất đến gần nửa giờ “đùa giỡn” với “tử thần” trên những con dốc uốn lượn, giữa một bên là núi cao, bên kia là suối sâu. “Chỉ sơ sẩy một chút thôi thì cũng chẳng còn “đường về”, anh lái xe Lò Văn Tuấn dí dỏm cho biết.

Điểm trường Mầm non Co Kham nằm độc lập trên một dải đất thoai thoải, tách biệt hẳn với cụm bản gần nhất. Có vài nóc nhà của đồng bào Thái nằm rải rác phía bên kia quả đồi. Cô giáo Lò Thị Lan, giáo viên cắm bản đang loay hoay giặt, phơi lại số khăn mặt của học sinh mới bị gió thổi rơi, rồi vác cuốc ra góc vườn hoa làm cỏ. Cô Lan kể: “Lúc nhỏ, nhà thuộc diện vùng sâu, vùng xa nên chẳng có trường mẫu giáo để học. 6 tuổi đi học lớp Một luôn. Ở bản Co Kham, học sinh phải đi bộ gần 5 cây số, ra trung tâm Mường Luân để học. Thế nên lúc đó, em chỉ ước sau này sẽ được dạy chữ cho các em mầm non, để tương lai các em đỡ khổ như thế hệ chúng em mà thôi!”.

Cô bảo mẫu trên đỉnh Co Kham - Ảnh minh hoạ 2
Giờ ngủ trưa, mỗi anh/chị trong lớp đều phải nằm kèm một em nhỏ để hỗ trợ cô giáo 

Lấy đam mê làm động lực

Cô giáo Lò Thị Lan sinh năm 1987. Sau bao năm “thai nghén” với ước mơ làm cô giáo, đến năm 2010, cầm tấm bằng tốt nghiệp CĐ Sư phạm T.Ư trên tay, cô Lan nắn nót từng chữ trong hồ sơ xin việc với thiết tha được công tác tại chính bản Co Kham, một bản đồng bào Thái nghèo thuộc xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, nơi cô đã sinh ra.

Mới thế mà đã bước sang năm thứ 9 cô Lan đứng lớp. Lớp cô dạy khá đặc biệt. Cả lớp có 23 học sinh thì có đủ các thành phần lứa tuổi. Có 7 em ở nhóm 24 tháng tuổi, 7 em thuộc nhóm 5 tuổi và 9 em thuộc nhóm 3, 4 tuổi. Gọi là lớp học ghép nhưng nhiều khi chẳng khác nào nhà trẻ bởi hồi đầu năm học, các em trong nhóm 24 tháng tuổi chưa quen nền nếp nên chỉ khóc, lớp học như ong vỡ tổ. Thế nên ngày nào lên lớp, cô Lan cũng phải bớt chút đồng lương ít ỏi của mình ra để mua kẹo “động viên” mỗi khi các em khóc. Việc dỗ dành 7 em nhỏ đã khó chứ đừng nói là dạy học. Ấy thế mà cô Lan đã “thuần” được những thành viên “khó tính” lớp học đặc biệt này.

“Em chia làm 4 nhóm tuổi, hàng ngày phân ra các nhóm khác nhau để dạy kiến thức. Như tiết Phát triển ngôn ngữ, dạy thơ, đọc truyện, cả 4 độ tuổi có thể cùng tham gia với nhau. Hay như học Phát triển thể chất cũng phân ra từng độ tuổi. Trẻ 3 tuổi cho bật xa với khoảng cách 30cm, 4 tuổi khoảng cách sẽ là 40cm và 5 tuổi sẽ là 50cm. Với bé 2 tuổi, em bảo các con ngồi xem các anh chị học bài, chơi trò chơi rồi cổ vũ. Thế là các cháu sẽ ngồi im để xem. Trẻ con ở đây ngoan lắm anh ạ!”, cô Lan kể.

Tôi chợt nghĩ, ở cái điểm bản đầy khó khăn với học sinh đủ các lứa tuổi thế này thì suốt gần 10 năm qua, cô Lan dạy học đã khó, vậy cô xoay xở thế nào trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ của các cháu(?). Ấy thế mà cô đều làm tốt công việc. “Đầu năm học, em nhờ phụ huynh thay phiên nhau nấu cơm đỡ nhà trường. Lúc phụ huynh bận việc đồng áng thì em chia học sinh thành từng nhóm, ra bài tập cho các em làm, cô tranh thủ đi nấu cơm”. Cô Lan kể tiếp: “ Khi ngủ, em cho các em ngủ chung với anh chị để các anh chị lớn hơn giám sát. Các cháu quấy khóc thì cô dỗ dành. Trẻ vùng cao thường phải xa bố mẹ vì bận đi nương xa, nên các em có tính tự lập rất cao. Mỗi lúc “trái gió trở trời”, buộc lòng cô phải địu một cháu trước ngực, cõng một cháu trên lưng, hai tay bồng bế thêm hai cháu nữa”.

Cũng bởi lòng yêu nghề, mến trẻ được ấp ủ suốt bao năm tuổi thơ, thế nên đến khi thực hiện ước mơ của mình, cô giáo Lò Thị Lan chẳng quản khó khăn, vất vả. Với cô, mỗi ngày đến trường là một ngày vui bởi cô luôn tâm niệm: “Hôm nay, những nỗ lực của bản thân như một sự vun trồng để ngày mai những đứa trẻ ở cái bản nghèo này được tươi sáng hơn”.

Tác giả bài viết: Minh Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập197
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại288,250
  • Tổng lượt truy cập51,644,209
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944