Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường khi mà sự cạnh tranh được dự báo sẽ khốc liệt hơn, không chỉ trong việc thu hút người học, mà còn khẳng định chất lượng đào tạo và định vị thương hiệu.
Chủ động thay đổi
Từ việc xét tuyển phần lớn chỉ tiêu dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, nay các trường buộc phải điều chỉnh giảm, thậm chí bỏ, gia tăng thêm nhiều phương thức xét tuyển thông qua đề án tuyển sinh riêng (đã được thực hiện song hành 2 - 3 năm qua) nhằm bảo đảm tốt nhất yêu cầu tuyển sinh trong bối cảnh mới được trao quyền tự chủ toàn diện.
Không chỉ tuyển thẳng học sinh giỏi, xét tuyển bằng học bạ THPT, nhiều trường, đặc biệt là trường top giữa và top dưới đã gia tăng thêm phương thức xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM, xây dựng nhóm xét tuyển riêng theo khu vực, cũng như tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng của mình để tuyển chọn thí sinh phù hợp nhất.
Nhận định về thay đổi theo hướng tự chủ toàn diện, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng không quá bất ngờ, khi thực tế công tác tuyển sinh dần đi theo hướng tự chủ (đề án tuyển sinh riêng) mấy năm nay. Các trường đại học cũng có sự chuẩn bị trước theo lộ trình mà Bộ GD&ĐT đưa ra trước đó để từ năm 2021 sẽ tự chủ, thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi.
Hiện băn khoăn lớn nhất của dư luận là việc giao toàn quyền tự chủ cho các trường đại học (mở ngành, tuyển sinh) sẽ dẫn tới việc tổ chức nhiều đợt xét tuyển trong năm, tổ chức kỳ thi riêng để bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng đầu vào như mong muốn. Hệ lụy có thể xảy ra là thí sinh sẽ thêm vất vả, tốn kém nếu muốn vào trường mình yêu thích.
“Bên cạnh phương thức xét tuyển như trước đây, trong bối cảnh hiện tại, cá nhân tôi nghĩ các trường đại học cùng khối ngành, nhóm ngành, cùng chung sứ mệnh, phù hợp điều kiện địa lý… nên có sự liên kết lại với nhau để xét tuyển. Như vậy sẽ có sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, xét tuyển hiệu quả hơn.
Mặt khác, việc “bắt tay” nhau trong công tác tuyển sinh giữa các trường còn triệt tiêu hiện tượng bùng nổ các kỳ thi riêng, giảm tốn kém và áp lực cho các TP lớn như Hà Nội, TPHCM khi thí sinh đổ về thi và xét tuyển. Hãy nghĩ đến mặt được của các phương thức xét tuyển. Không có phương thức nào hoàn hảo”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.
Theo TS Trần Đình Lý, cái gì cũng có tính hai mặt, mọi người hãy hiểu theo hướng tích cực. Bởi mỗi trường có đặc thù riêng, đòi hỏi tân SV của họ phải có kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp phù hợp. Do đó, đừng nên vội trách trường khi chính học sinh cũng mong muốn, chủ động lựa chọn nơi trau dồi nghề nghiệp cho tương lai của mình.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cho hay: Chính phủ, Bộ GD&ĐT bỏ Kỳ thi THPT quốc gia nhằm giảm gánh nặng cho người dân, giảm chi phí cho trường đại học, địa phương và xã hội khi học sinh, giảng viên các trường đại học phải di chuyển về các cụm thi. Vì vậy, việc các trường thay đổi phương thức tuyển sinh năm học 2020 - 2021 theo bối cảnh mới cũng nên nghĩ nhiều đến học sinh, sinh viên tương lai của mình. Đừng vì chỉ tiêu tuyển sinh, mục tiêu xét tuyển của trường mình mà “đẻ” ra thêm các kỳ thi riêng, trừ các trường cần tuyển học sinh tài năng hoặc thi môn năng khiếu.
Dễ dãi trong xét tuyển là tự giết mình
Việc tự chủ đại học, trong đó có tự chủ về tuyển sinh bên cạnh những mặt tích cực cũng đặt ra bài toán về cạnh tranh giữa trường top trên với trường top giữa và dưới.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục nhận định, khi tự chủ toàn diện về công tác tuyển sinh, trường top dưới và ngoài công lập sẽ đối mặt nhiều thách thức không chỉ đến từ bài toán học phí, thương hiệu, mà còn từ sự công bằng chưa đồng đều giữa các đơn vị giáo dục công - tư.
Ông Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) thông tin: Cơ chế tự chủ đại học mới chỉ được thực hiện một phần, chưa thực sự toàn diện, nhiều cơ sở GDĐH công lập vẫn được Nhà nước cấp kinh phí, nên dù có nhiều ngành đào tạo không có nhu cầu nhân lực, nhiều năm không tuyển sinh được nhưng nhờ ưu thế chưa tự chủ hoàn toàn nên vẫn có thể hạ thấp điểm chuẩn (bên cạnh mức học phí thấp) để tuyển cho đủ chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, tâm lý phân biệt trường top trên, top dưới của thí sinh và phụ huynh vẫn khá nặng nề. Việc kiểm soát các thí sinh ảo cũng gặp nhiều khó khăn nên xảy ra tình trạng số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhưng thực tế các trường lại tuyển được khá ít. Đặc biệt, một số trường có chương trình liên kết đào tạo nhưng nằm ngoài danh mục được tính trong chỉ tiêu tuyển sinh, do đó, có tình trạng một số trường khi tuyển đủ số lượng thí sinh lại hướng các em vào các chương trình liên kết với nước ngoài, để dành khoảng trống, hạ điểm chuẩn tuyển thêm số thí sinh còn lại…
Nhìn nhận những điều nêu trên có thể là rào cản, TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cho biết: Tự chủ đại học là lựa chọn tất yếu nhằm tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao quyền tự quyết cho các trường, tạo một không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường. “Tự chủ là một bước dân chủ hóa giáo dục đại học, để cải thiện và phát triển nền giáo dục đại học nước nhà. Tuy nhiên, chỉ khi tự chủ được thực hiện một cách toàn diện mới có được sự cạnh tranh công bằng giữa các trường, mới giảm thiểu được tình trạng nói trên”, TS Nguyễn Vũ Quỳnh nói.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng cho rằng, không thể loại trừ chuyện như hạ điểm chuẩn, chuyển chỉ tiêu hệ này qua hệ khác khi các trường được tự chủ hoàn toàn. Nhưng với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm (trách nhiệm giải trình), cơ sở GD sẽ biết và hiểu rằng trong bối cảnh mà việc tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo gần như là tuyệt đối, chất lượng của quá trình đào tạo mới chính là thước đo, giá trị định vị của đơn vị mình với xã hội, phụ huynh học sinh và người học.
“Dễ dãi với chính mình. Dễ dãi với chất lượng đầu vào sẽ tự giết mình. Bởi chất lượng đầu vào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đầu ra. Vì vậy, đây là thời điểm các trường đại học phải thể hiện được năng lực thực sự của mình để chọn phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu của cả một quá trình từ đầu vào, đào tạo và cả đầu ra”, TS Trần Đình Lý nhấn mạnh.
Vượt rào cản bằng sự chủ động riêng
Để có thể đứng vững, trụ được trên bản đồ GDĐH Việt Nam trong bối cảnh mới, với sự hội nhập quốc tế gần như mỗi ngày, các trường top dưới và ngoài công lập buộc phải tự làm mới mình, tự lớn lên bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới chuẩn mực quốc tế thông qua đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa chương trình, tạo nhiều sân chơi khoa học giúp sinh viên vừa học tập, vừa trang bị và rèn luyện các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết cho tương lai.
Thực tế, nhiều năm qua khoảng cách giữa trường đại học công lập danh tiếng với trường công lập chuyển sang hình thức tự chủ tài chính, trường đại học ngoài công lập đã được thu hẹp và rút ngắn rất nhiều. Nhiều trường đại học ngoài công lập như ĐH Lạc Hồng, HUTECH, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Hoa Sen đã và đang đi theo hướng đẩy mạnh chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng chương trình, đầu tư mạnh cho các sân chơi học thuật, NCKH…
“Trong bối cảnh mới, chỉ có chất lượng đào tạo và cam kết với xã hội (đào tạo gắn với việc làm), Trường ĐH Lạc Hồng nói riêng, các trường đại học top giữa, top dưới nói chung mới có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với trường top đầu. Ngoài việc chuẩn hóa chương trình đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, NCKH trong GV - SV, Trường ĐH Lạc Hồng cũng đang tạo dựng, củng cố, phát triển mối quan hệ với doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ.
Qua các hoạt động NCKH, sinh viên có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới trong doanh nghiệp, nhận các gói học bổng tài trợ từ doanh nghiệp, cũng như xây dựng mối quan hệ chất lượng cho tương lai. Đây là mục tiêu chúng tôi xác định cho mình trong việc tự chủ toàn diện như hiện nay”, TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết.
ThS Nguyễn Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông HUTECH cũng nhìn nhận trong bối cảnh mà sự tự chủ của các trường gần như tuyệt đối, ngoài các chính sách học phí, học bổng tiếp sức sinh viên, trường top giữa và top cuối phải chủ động tìm hướng đi riêng cho mình.
Đó có thể là các chính sách cam kết từ học phí, hoạt động đào tạo đến việc làm của nhà trường với sinh viên; Chất lượng đào tạo từ các ngành nghề “hot” thông qua công tác kiểm định chất lượng trong và ngoài nước; Là thương hiệu của nhà trường, chất lượng nguồn nhân lực với doanh nghiệp tuyển dụng… Dù ở mặt nào, khía cạnh nào, mọi yếu tố đều phải quy về một mối, hướng đến người học mới mong tính bền vững. - ThS Nguyễn Xuân Dung