Đa dạng phương thức tuyển sinh 2022: Gỡ rối cho thí sinh

Thứ sáu - 04/03/2022 17:37 206 0
GD&TĐ - Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 phương thức tuyển sinh do các cơ sở giáo dục đại học thông báo để xét tuyển trong năm 2022.
Đa dạng phương thức tuyển sinh 2022: Gỡ rối cho thí sinh

Nhiều thí sinh và phụ huynh bày tỏ lúng túng và mông lung trước sự đa dạng này.

Thí sinh mông lung?

Là học sinh lớp 12, Dương Mạnh Tuấn – Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) cảm thấy lúng túng trước hàng loạt phương thức xét tuyển của các trường đại học đưa ra. “Đúng là nhiều phương thức xét tuyển sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho chúng em. Thế nhưng, chính sự đa dạng, phong phú này vô hình trung khiến thí sinh mông lung, thậm chí có chút áp lực” – Mạnh Tuấn bày tỏ, đồng thời cho hay: Nhiều bạn cùng khóa cũng đang phân vân không biết nên chọn phương thức xét tuyển nào. Nếu tham gia tất cả phương thức xét tuyển thì áp lực học tập sẽ lớn, còn lựa chọn phương thức này, bỏ phương thức kia lại rơi vào cảnh không biết tỷ lệ trúng tuyển vào trường đến đâu.

Có con gái học lớp 12 Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Yến bộc bạch: Nhiều phương thức xét tuyển quá nên gia đình chưa biết khuyên con lựa chọn phương thức nào. “Trước mắt, chúng tôi khuyên con nên tập trung học tập tốt, đồng thời tham vấn các chuyên gia, thầy cô giáo để có lựa chọn sáng suốt” – chị Yến chia sẻ.

Hiện, các trường THPT bắt đầu gấp rút ôn tập cho học học sinh lớp 12, đồng thời đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho các em. Cô Nguyễn Thị Duyên – Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) - cho hay: Nhà trường triển khai kế hoạch dạy và học cho học sinh theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Trước hết, học sinh và phụ huynh nên ổn định tâm lý. Không quá lo lắng trước sự phong phú của các phương thức tuyển sinh năm nay. Điều các em cần làm bây giờ là bình tĩnh, giữ tâm lý thoải mái và suy nghĩ lạc quan mới có thể ôn tập tốt cho các kỳ thi ở phía trước.

Theo thầy Nông Ngọc Trọng – giáo viên Trường THPT An Mỹ (Thủ Dầu Một, Bình Dương), việc đầu tiên là các em cần cập nhật thông tin tuyển sinh một cách đầy đủ, kịp thời như: Chỉ tiêu, phương thức, tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ... Thay vì tập trung vào tất cả phương thức, các em nên chọn ra những phương án xét tuyển mà mình có thể đáp ứng được. Trên cơ sở đó, lựa chọn cách thức học tập phù hợp và tương ứng phương thức xét tuyển mà mình đã chọn.

Đa dạng phương thức tuyển sinh 2022: Gỡ rối cho thí sinh - Ảnh minh hoạ 2
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: TG

Lạc quan trước các phương thức xét tuyển

Là một trong những cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, Trường ĐH Văn Hiến thông báo sử dụng 5 phương thức, gồm: Sử dụng kết quả học bạ; Kỳ thi yốt nghiệp THPT; kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức; Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và của trường; một số ngành phải kết hợp với thi năng khiếu như: Thanh nhạc, piano.

Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 với chủ đề “Chọn phương thức nào khi xét tuyển đại học, cao đẳng?” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức: ThS Trần Mạnh Thái - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến - cho biết: Nếu thí sinh đã có kết quả của học kỳ I thì có thể tham gia xét tuyển học bạ vào các trường đại học sử dụng phương thức kết quả của lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12.

Việc tham gia sớm và sử dụng nhiều phương thức xét tuyển sẽ tạo ra nhiều cơ hội dựa trên các thời điểm. Ở mỗi thời điểm, khi có kết quả thí sinh cần sử dụng một cách linh hoạt. Tuy nhiên, các em cần tỉnh táo và xác định được hai điều kiện “cần” và “đủ”. Trong đó, điều kiện cần là phải tốt nghiệp THPT và điều kiện đủ là bảo đảm ngưỡng chất lượng đầu vào của các trường dựa trên phương thức xét tuyển.

Chia sẻ những lo lắng và bối rối của phụ huynh, thí sinh do có sự đa dạng cách thức xét tuyển đầu vào của các trường đại học, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – nhắn nhủ: Các em cần suy nghĩ lạc quan về khả năng trúng tuyển đại học khá rộng mở; số lượng chỉ tiêu dự kiến của các trường đủ để đáp ứng với đại đa số học sinh THPT năm cuối có nguyện vọng học đại học.

Ngoài ra, việc lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố sau: Nếu em có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực.

Con đường vào các ngành “hot”, trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng chật hẹp do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu và việc tham dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá Tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển đại học.

Dù thống kê có khoảng 14 - 15 phương thức tuyển sinh, nhưng PGS.TS Nguyễn Phong Điền – nhìn nhận: Từ trước đến nay chỉ có 3 phương thức xét tuyển đại học cơ bản: Xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân (học bạ THPT, chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng...); xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự (một lần) Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác và xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên.

Việc đưa ra nhiều phương án giúp cho các trường đa dạng hóa nguồn tuyển, tạo cảm giác yên tâm đối với mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu cho từng chương trình đào tạo hoặc tuyển được sinh viên phù hợp cho chương trình đào tạo. Ví dụ, chương trình dạy - học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, các trường có nghĩa vụ giải trình trước thí sinh và xã hội về sự tương đương giữa các phương án xét tuyển vào cùng một ngành/chương trình đào tạo để bảo đảm sự công bằng tương đối cho thí sinh.

Vẫn là câu chuyện về sự lựa chọn ngành học phù hợp bản thân và điều kiện gia đình, PGS.TS Nguyễn Phong Điền khuyến nghị: Thí sinh cần cân bằng giữa năng lực và mong muốn, “liệu cơm gắp mắm” để đạt mục tiêu trúng tuyển. Ngành “hot”, trường “top” thì tính cạnh tranh rất cao và ngược lại. Do đó, cần có một bản đăng ký xét tuyển vào ngành/chương trình đào tạo với danh mục và thứ tự ưu tiên được cân nhắc kỹ.

Tác giả bài viết: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập781
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm780
  • Hôm nay57,696
  • Tháng hiện tại335,826
  • Tổng lượt truy cập51,691,785
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944