Đây là xu hướng đáng chú ý về sự suy giảm vị thế toàn cầu của giáo dục đại học Mỹ.
Tổ chức giáo dục quốc tế QS vừa công bố Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2025. Kết quả của Mỹ có nhiều điểm đáng chú ý.
Mỹ là nước có trường đại học xếp tốp đầu thế giới trong 13 năm liên tiếp là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trường đạt điểm tuyệt đối ở nhiều chỉ số như danh tiếng học thuật, tuyển sinh... Đại học Harvard xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng, dẫn đầu toàn cầu về một số chỉ số như danh tiếng học thuật, nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Đại học Stanford nằm ở vị trí thứ 6, duy trì phong độ mạnh mẽ. Còn Viện Công nghệ California (Caltech) hiện xếp thứ 10. Như vậy trong top 10, Mỹ có 4 đại diện và đều là những trường có bề dày lịch sử trên thế giới.
Tuy nhiên, xu hướng rộng hơn của các trường đại học Mỹ vẫn đáng lo ngại. Hầu hết các tổ chức đều tụt hạng với sự sụt giảm đáng kể về danh tiếng học thuật và tác động nghiên cứu.
Đơn cử, Đại học California tại Berkeley giảm từ vị trí thứ 10 xuống 12 và Đại học Chicago tụt 10 bậc xuống vị trí thứ 21.
Bảng xếp hạng chỉ ra sự suy giảm của Mỹ là cơ hội cho nhiều đại học châu Á. Đơn cử, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, trở lại top 20 sau Đại học Chicago. 68% trường đại học của Trung Quốc đã nâng cao vị thế qua từng năm.
Hai trường mới lọt vào top 20 toàn cầu cũng đến từ châu Á là Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, tăng từ vị trí 26 lên 15 và Đại học Hồng Kông, Trung Quốc, tăng từ vị trí 26 lên 17.
Trong các quốc gia châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ chứng kiến sự chuyển dịch đi lên nhiều nhất cả về số lượng trường tăng thứ hạng và số thứ hạng tăng, ít nhất 10 bậc trở lên. Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Indonesia cũng đạt được những thành tựu đáng chú ý.
Các trường đại học tốt nhất của Ấn Độ chưa cạnh tranh được với các trường đại học tốt nhất của Mỹ. Nhưng 10 trường được xếp hạng cao nhất của Ấn Độ đều cải thiện vị trí qua từng năm. Nhìn chung 71% các trường đại học châu Á đã cải thiện thứ hạng hoặc duy trì ổn định.
Bên cạnh những thành công của châu Á, Australia vẫn dẫn đầu Mạng lưới nghiên cứu quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương với 3 trường nằm trong top 20 toàn cầu. Ở châu Âu, Vương quốc Anh nắm giữ vị trí tốp đầu thế giới.
Đáng chú ý, Đại học Hoàng gia London (Imperial College London) đã vượt qua Đại học Oxford và Đại học Cambridge để trở thành trường xếp hạng hàng đầu Vương quốc Anh. Nhưng giống như Mỹ, thứ hạng của 58% tổ chức ở Anh đã sụt giảm.
Ông Ben Sowter, Phó Chủ tịch cấp cao QS, nhìn nhận: “Trong 2 thập kỷ qua, Mỹ cố gắng duy trì vị trí dẫn đầu dù các quốc gia châu Á, quốc gia vùng Vịnh hay châu Mỹ Latinh ngày càng đầu tư cho giáo dục. Năm nay đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng không gì có thể đảm bảo vị trí đặc quyền của Mỹ trong bối cảnh trên”.
Tác giả bài viết: Phạm Khánh
Ý kiến bạn đọc