Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục đã dạy học bình thường từ 19/2/2024.
“Sở đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đến sáng nay, qua báo cáo sơ bộ, không có sự cố nào đáng tiếc liên quan đến giáo viên, học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ Tết vừa qua”, ông Khoa thông tin.
Cũng theo thông tin từ ông Khoa, từ hôm nay, Sở sẽ bắt đầu triển khai các đoàn thanh, kiểm tra việc tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trên toàn địa bàn.
“Mục đích là động viên thầy và trò nỗ lực vượt khó trong dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng với đó, kịp thời chấn chỉnh nền nếp dạy học, giáo dục ở các đơn vị, địa phương”, ông Khoa nhấn mạnh.
Thầy và trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh ổn định nền nếp dạy học sau Tết Nguyên đán. (Ảnh: TT) |
Ghi nhận tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk) cho thấy, ngay từ chiều 18/2, nhiều học sinh ở cách xa trường hàng chục km đã được cha mẹ chở đến ở khu bán trú.
Thầy Bùi Quang Định, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, đơn vị đã tổ chức ổn định nền nếp và tổ chức dạy học bình thường theo đúng chỉ đạo của Sở GD&ĐT.
“So với các năm trước, năm nay học sinh đi học đầy đủ hơn. Buổi sáng nay chỉ vắng, đi muộn chỉ có 11 em, hầu hết do sự cố đột xuất. Không khí dạy học ở các lớp rất vui tươi. Đây là tín hiệu tích cực đối với 1 đơn vị giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như chúng tôi”, thầy Định nhìn nhận.
Cũng theo thông tin từ thầy Định, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh hiện có 503 học sinh được biên chế thành 13 lớp. Trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số chiếm gần 91% (457 em).
Tại TP Buôn Ma Thuột, các trường học đã có sự chuẩn bị chu đáo để đón học sinh trở lại trường sau Tết.
Học sinh lớp 2A3 nhận lì xì năm mới từ cô giáo chủ nhiệm. (TT) |
Cô Trần Thị Hà, chủ nhiệm lớp 2A3 (Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ) cho biết, từ 2 ngày trước đã liên lạc với 100% phụ huynh để căn dặn học sinh chuẩn bị tâm thế trở lại trường học tập.
“Chúng tôi sử dụng nhóm zalo để giữ liên lạc trong các kỳ nghỉ lễ của học sinh. Em nào có vấn đề, phụ huynh sẽ báo để cô giáo nắm tình hình và ngược lại, cô cũng thường xuyên cập nhật thông tin của Nhà trường, nhắc phụ huynh cho các em ôn bài trong dịp Tết. Tránh việc các em chơi nhiều dẫn đến quên bài học. Vì thế, hôm nay đến lớp, các em rất hăng say phát biểu trong các tiết học”, cô Hà chia sẻ.
Năm học 2023-2024, Đắk Lắk có 1.002 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông với 493.832 học sinh, trong đó, hơn 35% học sinh là người dân tộc thiểu số.
Ý kiến bạn đọc