Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu" tại Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), ngày 4/5.
Theo Phó Thủ tướng, đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Từ mô hình của Trường ĐH Phennika (Hà Nội), Phó Thủ tướng đặt vấn đề về cách làm để trong một thời gian ngắn có thể đầu tư các trung tâm khoa học công nghệ, những bộ công cụ dùng chung cho các trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học ở mọi công đoạn của ngành công nghiệp bán dẫn.
Phó Thủ tướng muốn lắng nghe kiến nghị, đề xuất, hoặc các ý tưởng về các "gói" cơ chế, chính sách đột phá, trước mắt là thu hút nhân tài ngành công nghiệp bán dẫn bằng chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, sự ghi nhận tôn vinh xứng đáng…
Ngành công nghiệp bán dẫn rất cần những người thầy về ý tưởng, lý thuyết, thực tiễn, thực hành, phương pháp… nếu muốn đào tạo hàng chục ngàn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các khóa đào tạo và chương trình huấn luyện chuyên sâu, tạo điều kiện, môi trường để các giảng viên chuyển đổi, đào tạo lại, củng cố chương trình về đào tạo cơ bản.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu". Ảnh: Văn Mạnh. |
Đánh giá cao sự đi đầu, dẫn dắt của các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các chính sách thuận lợi cho các trường thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, kết nối mật thiết với doanh nghiệp,
Trong đó có mô hình trường đại học, viện nghiên cứu trong doanh nghiệp… phục vụ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, để các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu đáp ứng sát, đúng yêu cầu doanh nghiệp, từng bước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nghiên cứu, đào tạo phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn; cam kết tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp phát triển sản xuất chip bán dẫn nói riêng.
Phó Thủ tướng tin tưởng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng, có uy tín trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn thế giới đang tiếp tục chuyển đổi và định vị, xác định những định hướng hợp tác bền vững, lâu dài.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến một số công đoạn của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn: chế tạo vật liệu, chế tạo thiết bị sản xuất chíp, công cụ thiết kế, thiết kế (thiết kế hệ thống và gia công thiết kế), sản xuất, lắp ráp và đóng gói, kiểm thử; trong đó một số công đoạn đang được giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.
Những nước đang phát triển như Việt Nam cần có bước đi, nhìn nhận thấu đáo, kỹ lưỡng để có cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả, tham gia ngày càng sâu vào mọi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn. Điều đó đòi hỏi chiến lược đào tạo nhân lực bài bản với yêu cầu đầu tư, chất lượng khác nhau.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp, trường đại học đã cùng thảo luận những nội dung quan trọng về nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, như: Tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; kinh nghiệm của các doanh nghiệp, trường đại học hàng đầu thế giới; phương thức chia sẻ, dùng chung phương tiện, phòng thí nghiệm dùng cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, cách thức hình thành tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam.
Tác giả bài viết: Minh Phong (ghi)
Ý kiến bạn đọc