Ghe vừa là phương tiện di chuyển nhưng cũng là công cụ để mưu sinh khi nhà nào cũng chỉ cách mặt sông chừng vài chục cm, mỗi năm có đến gần nửa thời gian là nước lũ bao quanh làng. Con chữ ở đây vì thế cũng lắm nổi nênh giữa sóng nước mênh mông…
Bảy xóm nhỏ dọc theo đôi bờ sông Ô Giang của vùng trũng Hải Lăng lâu nay vẫn được gọi là Càng – một “miền Tây” của xứ gió Lào Quảng Trị bởi đây là những rẻo đất nằm xâm xấp mặt ruộng, mùa mưa bão nước lũ bao quanh, xóm làng nằm trơ trọi giữa đồng. Bao nhiêu đời nay, dân các Càng sống chung với lũ, biết lựa theo con nước để mưu sinh giữa mênh mông nước bạc.
Vượt lũ đến trường
Kể từ sau trận lũ kinh hoàng của năm 1999, người dân vùng Càng ở Hải Lăng mới bắt đầu có ý thức xây nhà ở kiên cố bằng gạch để thay thế những ngôi nhà phên đất trộn bùn như trước đây. Giờ thì gần như nhà nào cũng thiết kế một cái tra (sát mái nhà) bằng gỗ để trú ẩn vào những ngày nước lớn bởi ở đây, “chỉ cần cóc nghiến răng một cái là nước lũ trắng đồng, mấy chỗ khác mà ngập thì chỗ bọn tui nước lên nóc nhà rồi” – bà Lê Thị Tình, trú tại Càng Hưng Nhơn kể.
Hơn chục năm trước, muốn về Càng chỉ có cách làm khách trên những chuyến đò dọc hoặc men theo những con đường đất đầy sinh lầy. Học sinh vùng Càng đến trường mùa lũ phải đánh cược sinh mạng trên những chiếc thuyền nan. Cảnh đò dọc đò ngang ở 7 vùng Càng chỉ thực sự chấm dứt khi năm 2009, tuyến đê bao vùng trũng Hải Lăng mới được xây dựng, chạy dọc dòng Ô Giang về vùng Càng.
Điện giờ cũng đã được kéo về mọi ngõ xóm. Nhưng chuyện học của trẻ em vùng càng không vì thế mà bớt đi khó khăn. Các Càng đều không có điểm trường mầm non, trẻ đến trường nhờ vào sự quan tâm của các giáo xứ. Ở bậc tiểu học, học sinh đều phải học lớp ghép do sĩ số học sinh của mỗi lớp quá ít.
Như điểm trường ở càng An Thơ, dù được đầu tư xây hai tầng với 4 phòng học nhưng con em ở đây vẫn phải học lớp. Ông Nguyễn Văn Hộng, trưởng Càng cho biết, đến lớp 5 thì buộc phải ra học ở điểm trường chính. “Ngày nắng thì phụ huynh đón đưa đi về, ngày mưa nhiều em phải xin ở nhờ nhà bà con thân quen gần trường ở trọ nếu không muốn đi học đứt bữa vì con nước”.
Ông Lê Bộ - trưởng Càng Hải Chánh cho biết: “Con em của Càng Hải Chánh nhờ được giải quyết vào học trái tuyến ở Trường THCS Hải Tân nên đường đến trường cũng đỡ xa xôi, khó khăn. Hai năm nay, Càng đã có học sinh đỗ đại học sau rất nhiều năm vắng bóng”.
Mười hai năm con đến trường học, ông Bộ cũng bỏ công bỏ việc theo con chữ của con. “Có những ngày tui chèo 4 lượt đưa đón con đi về. Nhìn nước lớn mênh mông, mình cũng không dám quay về mà cứ ngồi trước cổng trường đợi con tan học, xui rủi mình về mà con được nghỉ sớm, trẻ con thì hay tò mò nghịch dại…”.
Những tháng ngày đó, ông Bộ cũng nhận luôn việc đưa đón con em trong Càng đến trường vì “đằng nào mình cũng mất công rồi nên chở giùm bà con luôn. Cũng không đặt nhiều kỳ vọng cho con đỡ áp lực nhưng tui nói với con, con học lên được đến mô ba theo đến đó, có chữ thì có hơn chớ” – ông Bộ chia sẻ.
Vùng trũng đã không còn “trũng”
Cô bé Võ Phương Thùy, học sinh lớp 4 mồ hôi nhễ nhại đạp xe từ Càng Hưng Nhơn, cách đó tầm 3 cây số đến điểm trường An Thơ để học tiếng Anh. Hai năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, Phương Thùy chưa hề vắng mặt một buổi học tiếng Anh nào, cho dù, có những lần, em bị trượt chân trong nước lũ, cả buổi học răng cứ đánh lập cập vào nhau vì áo quần ướt sũng. Thùy cười thật tươi: “Sau này, con có kinh nghiệm hơn, luôn để sẵn một bộ áo quần dự phòng, gói cẩn thận trong túi ni lon, có bị ngã cũng có áo quần để thay”.
Mỗi tuần, cô giáo Phan Thị Tuất về điểm trường An Thơ dạy tiếng Anh 2 buổi. Vì điểm trường An Thơ chỉ có 14 học sinh của 2 lớp ghép lớp 2 và lớp 3 nên riêng giờ học môn tiếng Anh, phải dồn học sinh của cả Càng Hưng Nhơn và Hội Điền về đây để học.
Những ngày mưa gió, đường đến trường của học sinh vùng càng như dài thêm ra, nhưng lớp học không vì thế mà trống chỗ, mỗi con chữ với các em đều lấp lánh như những giọt nắng. “Học trò ở càng chịu nhiều thiệt thòi, nhưng rất mừng là các em đều học hành rất háo hức và chăm chỉ” - cô Tuất nhận xét. Những từ vựng tiếng Anh đầy lạ lẫm, cứ thế len vào trong câu chuyện của những em học trò vùng chiêm trũng, lây niềm vui sang cả những bậc cao niên mà gần như cả đời họ chỉ dăm ba lần vượt lũ lên phố.
Đứng trên bờ đê lộng gió nơi hạ nguồn con sông Ô Giang nhìn về bốn phía cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, chúng tôi cứ hình dung về vụ mùa bội thu vừa qua, về mùa gieo trồng sắp tới…