Dạy chuyển tiếp cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1: Bước tạo đà quan trọng

Thứ sáu - 03/09/2021 23:57 433 0
GD&TĐ - Chuyên đề chuyển tiếp cho trẻ mầm non 5 tuổi đã được hai bậc mầm non – tiểu học tại Nghệ An phối hợp triển khai hiệu quả. Nhờ đó, trẻ vào lớp 1 được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tâm thế.
Dạy chuyển tiếp cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1: Bước tạo đà quan trọng

Sự thống nhất, kế thừa giáo dục cũng tạo thuận lợi cho trường tiểu học tiếp nhận đầu vào, triển khai dạy học, đặc biệt trong điều kiện năm học bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan như dịch bệnh, thiên tai...

Chuyển tiếp cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1

Năm học 2020 – 2021 kết thúc sớm hơn so với kế hoạch, nhưng Trường Mầm non Long Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn hoàn thành chuyên đề chuyển tiếp cho trẻ mầm non 5 tuổi vào lớp 1. Thực hiện chuyên đề này, hai trường mầm non và tiểu học trên địa bàn cùng trao đổi, họp thống nhất nội dung giáo dục chuyển tiếp.

Các bé 5 tuổi đã nhận biết đầy đủ con số, chữ cái, học làm quen với cách cầm bút, tư thế ngồi viết... Trước khi nghỉ hè, Trường Mầm non Long Thành cũng kịp tổ chức cho 219 trẻ 5 tuổi của cả 2 phân hiệu đến tham quan trường tiểu học.

Cô Nguyễn Thị Duyên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Long Thành - cho hay: “Thực hiện giãn cách, chúng tôi chia thành 2 đợt tham quan. Không chỉ có cô giáo, nhiều phụ huynh cũng được mời đồng hành cùng con. Vào trường mới, các con được giáo viên dạy lớp 1 chào đón. Sau đó, đi thăm lớp học, sân trường, phòng chức năng, sân chơi, khu vực vệ sinh...

Mặc dù, thời gian làm quen chỉ 1 buổi, nhưng hiệu ứng ban đầu cho thấy các con rất háo hức, thích thú với môi trường mới. Đây là tiền đề quan trọng để trẻ và cả phụ huynh chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng cho con chuyển sang bậc học phổ thông”.

Năm học 2020 – 2021, Trường Tiểu học Hòa Sơn (Đô Lương, Nghệ An) không kịp thực hiện 2 hoạt động là họp phụ huynh trẻ 5 tuổi và đón các bé sang làm quen trường mới như kế hoạch ban đầu. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà trường tập trung đẩy nhanh chương trình học, tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm cho các khối lớp, bàn giao chất lượng khối lớp 5 cho trường THCS.

Tuy nhiên, cô Trần Thị Tuyết – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Trước đó, trường mầm non và tiểu học đã phối hợp chặt chẽ. Cụ thể, cử phó hiệu trưởng cùng giáo viên lớp 1 đến dự giờ học của lớp 5 tuổi trường mầm non. Sau đó, hai trường cùng họp, trao đổi chuyên môn, tư vấn góp ý cho giáo viên mầm non trong cách hướng dẫn trẻ kỹ năng, kiến thức.

“Nếu không thống nhất, trẻ mầm non thực hiện sai cách cầm bút, tư thế ngồi viết... thì khi lên lớp 1, giáo viên tiểu học sẽ rất vất vả, khó sửa lại cho đúng. Ngược lại, chúng tôi cũng được chia sẻ, tìm hiểu về tâm sinh lý, đặc điểm lứa tuổi, để có kế hoạch tiếp nhận phù hợp”, cô Trần Thị Tuyết nói, đồng thời chia sẻ:

Hai trường phối hợp tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng cho trẻ 5 tuổi với sự tham gia của cả phụ huynh. Các câu hỏi trong cuộc thi liên quan đến nội dung chuyển tiếp như nhận biết con số, chữ cái, quy tắc ứng xử, chào hỏi... Bên cạnh đó, phụ huynh cũng hiểu về đặc trưng cấp học, hỗ trợ con em trong thời gian nghỉ hè trước khi vào lớp 1, tránh cho con học trước chương trình.

Dạy chuyển tiếp cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1: Bước tạo đà quan trọng - Ảnh minh hoạ 2
Trường Tiểu học Long Thành đón trẻ mầm non vào tham quan, làm quen.

Chủ động khắc phục khó khăn

Đầu năm 2021, các phòng GD&ĐT của Nghệ An tổ chức sinh hoạt chuyên môn giữa 2 cấp mầm non – tiểu học để triển khai kế hoạch hỗ trợ trẻ 5 tuổi giai đoạn chuyển tiếp. Trong đó, nhiều đơn vị thực hiện sớm và đạt hiệu quả cao như: TP Vinh, Đô Lương, Yên Thành, Tân Kỳ...

Tại huyện Đô Lương, “Hội thảo tập huấn công tác tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1” được tổ chức từ tháng 3/2021. Ông Nguyễn Văn Hải – Phó Trưởng phòng GD&ĐT - cho biết: Thành phần tham gia hội thảo gồm hiệu phó, hiệu trưởng của các trường tiểu học, mầm non cùng giáo viên dạy lớp 5 tuổi và giáo viên dạy học lớp 1. Sự kết nối giữa bậc mầm non, tiểu học khăng khít giúp các nhà trường nắm bắt thực tế chương trình giáo dục của bậc học, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

“Chúng tôi cũng lưu ý các đơn vị phải tăng cường mối quan hệ, tương tác giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng để hiệu quả giáo dục trẻ tốt hơn. Sau hội thảo cấp huyện, tại các xã cũng tổ chức tập huấn cấp trường. Kết quả, năm học 2020 – 2021, phần lớn địa phương trên toàn huyện triển khai có chất lượng chuyên đề với các hoạt động như thi Rung chuông vàng trang bị kiến thức tiền lớp 1 cho trẻ, tham quan, làm quen trường tiểu học...”, ông Hải cho biết.

Năm học 2021 – 2022, học sinh phổ thông, GDTX tỉnh Nghệ An cùng tựu trường ngày 1/9. Tựu trường muộn, đồng nghĩa với việc trẻ lớp 1 sẽ thiếu hai tuần không so với các năm học trước. Theo cô Trần Thị Tuyết, điều này khiến giáo viên vất vả hơn.

“Chúng tôi đã có kế hoạch vừa triển khai dạy học theo chương trình, vừa lồng ghép dạy kỹ năng cho học sinh lớp 1. Tùy thực tế mỗi lớp, học sinh gặp khó khăn, bỡ ngỡ ở đâu, giáo viên sẽ giúp đỡ đến đó. Mặt khác, nội dung chuyển tiếp mà trường tiểu học – mầm non cùng phối hợp thực hiện cho các em ở năm học trước cũng tạo nền tảng thuận lợi. Trẻ cũng không bị thay đổi môi trường học tập quá đột ngột”, cô Tuyết trao đổi.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Chính, TP Vinh, Nghệ An - cũng cho rằng, nếu có 2 tuần không, học sinh bước vào lớp 1 sẽ trọn vẹn hơn. Nhưng qua 1 năm triển khai Chương trình, SGK lớp 1 mới, giáo viên đã có kinh nghiệm và chủ động kế hoạch dạy học theo thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An, tựu trường muộn hơn những năm trước sẽ có phần vất vả cho giáo viên, trường tiểu học nhưng không gây ảnh hưởng nhiều tới học sinh lớp 1. Vì trước đó, 2 bậc học đã phối hợp, triển khai mô hình chuyển tiếp cho học sinh mầm non 5 tuổi lên lớp 1.
Mặt khác, các trường được chủ động xây dựng chương trình kế hoạch giảng dạy, giáo viên lớp 1 sẽ linh hoạt kiểm tra, hướng dẫn học sinh làm quen với môi trường mới, mục tiêu cuối cùng vẫn là đạt chuẩn kiến thức kỹ năng theo khung chương trình quy định.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập928
  • Hôm nay53,920
  • Tháng hiện tại332,050
  • Tổng lượt truy cập51,688,009
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944