Dạy học trên đỉnh Huổi Chổn

Thứ sáu - 28/01/2022 02:48 251 0
GD&TĐ - Băng qua con đường nhỏ hun hút, quanh co dưới những tán rừng già, chúng tôi có mặt tại Huổi Chổn. Bản trơ trọi vắng lặng, chỉ có tiếng trẻ ê a học bài. Đó xem như điểm nhấn duy nhất ở bản nghèo giữa đại ngàn.
Dạy học trên đỉnh Huổi Chổn

Không để trẻ bị thất học

Bản nhỏ Huổi Chổn có gần 30 hộ người Mông sinh sống luôn vắng lặng ngày qua ngày, vì phần lớn người dân đều đi làm nương rẫy. Chỉ cách TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) gần 30km, nhưng chuyện dạy và học ở đây chẳng khác những điểm bản vùng sâu, vùng xa là mấy. Điểm trường Huổi Chổn (thuộc Trường Mầm non Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ) chỉ vỏn vẹn hai phòng học, một lớp mẫu giáo ghép với 19 học sinh từ 3 – 5 tuổi và một lớp nhà trẻ có 9 bé đang theo học.

Từ tháng 6/2021, Nà Nhạn chuyển từ xã khu vực III lên khu vực I, nhưng Huổi Chổn vẫn là một trong hai bản đặc biệt khó khăn của xã. Dù cái nghèo vẫn hiện hữu, thế nhưng, thay vì “đời cha mù chữ, đời con thất học”, những người cha, người mẹ ở bản Mông nơi đây đã hết lòng động viên, khuyến khích con, cháu đi học. Cũng bởi vậy, ở Huổi Chổn không có cảnh giáo viên phải đến từng nhà vận động học sinh đến lớp.

Ở tuổi 30 nhưng cả hai vợ chồng anh Lý A Sếnh đều chưa thạo con chữ. Ngày ngày lên nương, làm rẫy, thấu hiểu được cái khổ vì thất học nên họ luôn động viên các con chăm chỉ học hành. Đến nay, cả 3 người con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi.

Anh Sếnh chia sẻ: “Không biết chữ khổ lắm, thiệt thòi lắm, nhất là những việc liên quan đến thủ tục giấy tờ. Vì vợ chồng không biết chữ nên phải nhờ người khác hỗ trợ, rất phiền phức. Hơn thế, mỗi khi cần ký giấy tờ tôi cũng chỉ biết điểm chỉ. Vì thế, dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng vợ chồng tôi quyết tâm để con mình được đi học, biết cái chữ để về bảo cho mình”.

Còn nhớ, những ngày đầu tháng 8, khi chuẩn bị bước vào năm học mới, lại đúng thời điểm mùa mưa. Hơn nữa, địa hình cách trở nên việc vận chuyển nguyên liệu, công tác sửa sang hệ thống cơ sở vật chất ở điểm trường Huổi Chổn gặp không ít khó khăn. Khi ấy, hơn 20 phụ huynh ở bản đã đến điểm trường giúp giáo viên san gạt mặt bằng, mở rộng sân chơi, vệ sinh trường, lớp học.

“Vì việc học tập của con trẻ, bà con ở đây luôn nhiệt tình giúp đỡ mà không nề hà gì. Mỗi lần đưa đón trẻ, phụ huynh ở bản thường mang theo nông sản trồng được cho điểm trường. Họ hỗ trợ thêm vào bữa ăn cho các con. Dù chỉ là ít bí xanh, bí đỏ, hay bó rau cải trồng được trên nương nhưng đó lại là động lực, chắp cánh cho tương lai tươi sáng của con em họ”, cô Nguyễn Thị Thanh Ngân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Để chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các cô ở điểm trường, phụ huynh ở đây còn chia lịch, thay phiên nhau đến hỗ trợ các cô nấu ăn. Hôm chúng tôi đến điểm trường này cũng là ngày đến phiên nấu cơm của chị Giàng Thị Sú. Con trai của chị Sú là Lý A Lừ học lớp mẫu giáo 5 tuổi tại điểm trường này. Vừa tranh thủ ninh thêm nồi xương để nấu cháo cho các con ăn bữa phụ vào buổi chiều, vừa nhanh tay rửa rau để nấu canh cho bữa trưa, chị Sú nói: “Bữa cơm hôm nay có thịt gà xào giá đỗ, canh rau cải. Các con được đi học cái chữ, lại được ăn những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng như vậy, chúng tôi yên tâm lắm”.

Dạy học trên đỉnh Huổi Chổn - Ảnh minh hoạ 2
Chị Giàng Thị Sú giúp các cô giáo ở điểm trường chuẩn bị bữa cơm cho học sinh.

“Nuốt lệ” lên trường

Cũng chính bởi sự quan tâm, chăm lo đến việc học của những bậc làm cha, làm mẹ ở Huổi Chổn nên nhiều cô giáo nơi đây như được tiếp thêm động lực. Họ lại thêm kiên trì, nhiệt huyết gắn bó cùng con em dân bản trên hành trình đi tìm con chữ. Dù cách trung tâm xã không xa nhưng bản nghèo này vẫn chưa có đường bê tông. Con đường hơn 6km từ UBND xã Nà Nhạn đến bản Huổi Chổn toàn đất đỏ. Bởi vậy, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, cả đoạn đường trở nên trơn trượt như rải mỡ. Vào mùa tựu trường, cũng là tháng cao điểm của mùa mưa, đất trở nên nhão nhoét, dính chặt vào từng bánh xe đặc quánh, không sao đi nổi. Ấy vậy mà, những cô giáo cắm ở điểm bản này chưa để lớp học phải nghỉ buổi nào.

Đây là năm thứ tư cô giáo Lò Thị Biến gắn bó với điểm trường thuộc diện khó khăn nhất xã này. Cô Biến cũng chẳng nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải để lại xe giữa đường vì đường trơn trượt, không đi nổi.

Hồi tưởng lại quãng thời gian ấy, cô Biến tâm sự: “Năm học 2017 – 2018, điểm trường này có một mình tôi phụ trách. Những lúc bỏ xe lại giữa đường, tôi phải men theo con đường đất, cố gắng đi bộ vào điểm trường thật nhanh vì sợ muộn quá, học sinh không thấy cô giáo đến lớp lại bỏ về hết. Thế nhưng, khi đến nơi, các em vẫn đi học đầy đủ, kiên nhẫn ngồi chờ cô giáo, lại giúp tôi có thêm động lực trên hành trình mang chữ lên non”.

Sau 1 năm ngắt quãng luân chuyển về điểm trường khác, từ năm học 2019 – 2020, cô Biến quay trở về phụ trách tại Huổi Chổn. Lần quay lại này, con đường lên bản đã đỡ vất vả hơn bởi điểm trường đã có thêm một cô giáo để hỗ trợ cho nhau. “Những ngày mưa, chúng tôi cùng đi chung một chiếc xe máy. Đoạn nào không đi được thì xuống xe, người dắt, người đẩy nên không phải bỏ lại xe giữa đường nữa”, cô Biến kể tiếp.

Còn với cô Tạ Thị Hải Hương (hiện là giáo viên tại điểm trường Nà Ngám, xã Nà Nhạn), dù năm nay không còn phụ trách giảng dạy ở điểm trường Huổi Chổn, nhưng suốt quãng thời gian gắn bó với nơi này cũng để lại trong cô không ít kỷ niệm. Ký ức mà cô Hương nhớ nhất có lẽ là lần bị kẻ xấu chặn lại giữa đường hỏi xin tiền. Vì không mang theo tiền nên cô bị đối tượng đe dọa đòi lấy điện thoại.

Lúc ấy, vừa sợ vừa run, nhưng cô Hương vẫn cố gắng lấy lại bình tĩnh lái xe đi tiếp. Cả quãng đường còn lại, nước mắt cứ chực trào ra vì sợ, tủi thân. Ấy vậy mà hôm sau, hành trình đi “gieo con chữ” ở Huổi Chổn của cô vẫn tiếp tục, bởi nơi bản nghèo ấy, những cô cậu học trò nhỏ đang chờ cô đến trường.

Giữa trưa, chúng tôi vội vã chia tay cô trò ở điểm bản rồi xuống núi. Giao thông cách trở, vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, nhưng nghe tiếng ê, a vang vọng giữa bản nghèo, chúng tôi biết, phía sau lưng mình, dù nắng hay mưa, vẫn luôn có những cô giáo nối tiếp nghiệp “gieo chữ” ở nơi rẻo cao này. Cứ thế, mỗi năm học đến, cánh cổng điểm trường Huổi Chổn lại được mở đón học trò. Và những đứa trẻ ở Huổi Chổn lại từ nương rẫy trở về, ríu rít gọi nhau đến lớp.

Tác giả bài viết: Thu Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập822
  • Hôm nay30,186
  • Tháng hiện tại308,316
  • Tổng lượt truy cập51,664,275
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944