Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh (HS) tại nhiều cơ sở giáo dục chưa một ngày được đến trường từ đầu năm học, nhưng với sự chủ động, linh hoạt thích ứng, các trường cơ bản vẫn bảo đảm tiến độ chương trình theo kế hoạch đề ra.
Cơ bản bảo đảm tiến độ
Tại Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên, toàn bộ HS đều học trực tuyến từ sau khai giảng đến nay. Chia sẻ của cô Vũ Thị Anh, giáo viên nhà trường, học kỳ I có 18 tuần thực học, ở tuần thứ 17, nhà trường đã tổ chức cho HS 3 khối lớp 10, 11, 12 làm kiểm tra bài cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến.
Việc ôn tập cho HS của các khối lớp bảo đảm chất lượng, sát nội dung cốt lõi, nội dung tinh giản sẽ không có trong bài thi; nhờ đó tinh thần, thái độ học tập, ôn thi của HS tích cực, không quá áp lực. “Không chỉ THPT Ân Thi, nhiều trường trên địa bàn mà tôi biết đều bảo đảm được tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch thời gian năm học” - cô Vũ Thị Anh cho hay.
Tương tự, Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng dạy học theo hình thức trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Theo cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Yến, thực hiện hướng dẫn của ngành Giáo dục, nhà trường đã chủ động xây dựng chương trình phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh và dạy học trực tuyến; do đó, tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch thời gian năm học không bị ảnh hưởng. Trường THCS Nam Từ Liêm đang tiến hành kiểm tra học kỳ I và sẽ kết thúc vào 5/1/2022. Sau ngày này, trường tổ chức dạy học bình thường và kết thúc năm học theo đúng kế hoạch vào 16/1/2022.
Hai nguyên nhân chính giúp các trường bảo đảm tiến độ dù dịch bệnh rất phức tạp được cô Hoàng Thị Yến nêu ra: Nhà trường, thầy và trò đều quen với dạy học trực tuyến nên không còn bị động. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT kịp thời ban hành Công văn 4040 hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021 - 2022, giúp các cơ sở giáo dục thuận lợi trong việc chọn nội dung cốt lõi rút ngắn thời gian dạy học và có thời gian để tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho HS.
Năm học 2021 - 2022, Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) thực hiện kế hoạch thời gian năm học theo Quyết định 1014 của UBND tỉnh. Theo đó, học kỳ I bắt đầu từ 5/9/2021 đến 16/1/2022. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương chia sẻ: Dù từ đầu năm học đến nay, khá nhiều lần trường phải thay đổi hình thức dạy học để ứng phó với dịch bệnh, nhưng đến thời điểm này kế hoạch năm học vẫn được triển khai đúng tiến độ. HS bắt đầu kiểm tra học kỳ I từ 5/1 - 8/1/2022. Năm nay không phải lùi thời điểm kết thúc năm học vì cơ bản 100% HS đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19; học trực tuyến đạt hiệu quả cao vì chương trình được giảm tải.
Với Tiền Giang, thông tin từ ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, địa phương sẽ cho HS lớp 9 và lớp 12 toàn tỉnh đến trường học tập trực tiếp để tổ chức ôn tập bù đắp kiến thức và tiến hành kiểm tra cuối học kỳ I. Khối lớp còn lại vẫn dạy học trực tuyến. Các cơ sở giáo dục sẽ điều chỉnh kế hoạch giáo dục lùi thời điểm kết thúc học kỳ I đến ngày 28/1/2021, dự kiến hoàn thành kế hoạch học kỳ I trước khi nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhiều giải pháp kiên trì mục tiêu chất lượng
Thông tin từ ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện có 328 trường dạy học trực tiếp; 240 trường đang học online, học trên truyền hình và kết hợp trực tiếp, trực tuyến. Trong đó, 100% HS khối 7 trở lên được học trực tiếp, sau khi đã hoàn thành hai mũi tiêm. Việc tổ chức học trực tiếp được thực hiện: Lớp nào xuất hiện ca dương tính thì cách ly theo diện hẹp, tiến hành tầm soát và cho các em quay trở lại trường sau từ 3 - 5 ngày.
Là địa bàn dịch bệnh diễn biến phức tạp từ đầu năm học đến nay, nhưng với sự chủ động, thích ứng linh hoạt, các cơ sở giáo dục của Thừa Thiên - Huế vẫn bảo đảm đúng tiến độ thời gian năm học. Theo kế hoạch, công tác kiểm tra học kỳ I toàn tỉnh hoàn thành trước ngày 15/1/2022 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT yêu cầu, với các khối đã thực hiện tiêm chủng, trường tổ chức ôn tập và tiến hành kiểm tra kết thúc học kỳ bình thường.
Việc tổ chức kiểm tra phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch, thực hiện các quy định 5K và tùy từng trường, địa phương, yếu tố dịch tễ cũng như mức độ an toàn để tổ chức hình thức kiểm tra phù hợp, an toàn, chất lượng. Đối với HS tiểu học và lớp 6 dừng đến trường do Covid-19, từ ngày 27/12 đến hết 31/12/2021. Các trường xây dựng kế hoạch đón HS trở lại trường và tổ chức kiểm tra trực tiếp bắt đầu từ ngày 3/1/2022 (tuần đầu năm 2022).
Tùy tình hình phòng dịch và điều kiện tại địa phương để xây dựng nhiều phương án kiểm tra kết thúc học kỳ (cả lớp, tổ chức theo nhóm nhỏ, phân khối lớp theo buổi…). Trường hợp đặc biệt, không thể tổ chức kiểm tra trực tiếp, nhà trường báo cáo lãnh đạo phòng GD&ĐT và chính quyền địa phương, bảo đảm đủ điều kiện để tất cả trường học được tổ chức kiểm tra trực tiếp. Riêng HS trong thời gian điều trị F0 hoặc đang cách ly không tham gia kiểm tra trực tiếp, sẽ được bố trí kiểm tra bổ sung vào thời điểm và hình thức phù hợp sau.
Kiểm tra trực tiếp, theo ông Nguyễn Tân, một mặt bảo đảm công bằng, khách quan; mặt khác nhằm đánh giá được chính xác kết quả dạy học trực tuyến, trên truyền hình trong thời gian qua, từ đó đưa ra giải pháp tiếp theo cho phù hợp.
Cùng giải pháp này, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đồng thời chia sẻ đang ấp ủ kế hoạch xin chủ trương UBND tỉnh được bố trí cho HS lớp 1, 2 phải học trên truyền hình suốt thời gian qua sẽ học trực tiếp trong thời gian 2 tháng hè (từ 15/6 đến 15/8) để bảo đảm đủ điều kiện lên học lớp cao hơn, phòng ngồi nhầm lớp do không theo kịp được chương trình dạy học truyền hình trong thời gian dừng đến trường. Cùng với đó, ông Nguyễn Tân khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học trước ngày 31/5, không để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy và học.