Sự cần mẫn ấy, qua năm tháng ít nhiều đã góp phần thắp sáng những mảnh đời trên đỉnh mù sương.
Quăng mình qua vực thẳm
Cách thành phố Điện Biên Phủ chỉ hơn 40km, nhưng bản Nậm Ty, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (Điện Biên) là điểm bản biên giới đặc biệt khó khăn. Nậm Ty nằm trên độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Đến Nậm Ty chỉ có một con đường độc đạo, đèo dốc quanh co giữa một bên là vách đứng, bên kia là vực thẳm. Mùa mưa, để đến được điểm bản này chỉ có thể là đi bộ.
Chào đón chúng tôi bằng một nụ cười thật tươi và giọng nói “nhẹ như bấc” cô giáo Mùa Thị Dương (Trường Mầm non xã Hua Thanh, huyện Điện Biên), giáo viên “cắm bản” Nậm Ty B hỏi chúng tôi: “Đường lên bản không quá khó phải không anh?”. Cô hỏi trong khi chúng tôi người nào người ấy đổ mồ hôi hột vì từ trung tâm xã Hua Thanh về bản Nậm Ty khó như đường… lên trời!
Trong căn phòng công vụ chật hẹp, cô Dương kể cho chúng tôi về chặng đường 15 năm nuôi dạy trẻ của mình. Sinh ra và lớn lên ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), năm 2006 cô Dương tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương. Sau ngày ra trường, cô được phân công công tác tại Trường Mầm non xã Nà Tấu, huyện Điện Biên (nay là thành phố Điện Biên Phủ).
Hè năm 2009, cô Dương được điều động về dạy ở Trường Mầm non Hua Thanh thuộc xã biên giới Hua Thanh, huyện Điện Biên. Cô được giao “cắm bản” Nậm Ty B theo quy định luân phiên. Ngày lên bản, cô gói ghém đồ đạc, ngấn lệ rời phố, lên rừng khi cậu con trai mới vừa tròn 2 tuổi.
Nhớ về những ngày đầu lên “cắm bản”, cô Dương kể rằng chồng cô - anh Khoàng Văn Thủy là người dân tộc Thái, công tác trong lực lượng Công an tỉnh Điện Biên từng chinh phục bao cung đường đèo dốc, đã rất tự tin khi nói với vợ: “Em chỉ cần ôm anh thật chặt, anh cần sự an toàn của em”. Cũng bởi câu nói đó khiến cô Dương yên tâm hơn mỗi khi thấy chồng ghì tay lái giữ thăng bằng trên chặng đường về trường. Ðánh vật gần tám tiếng đồng hồ, hai vợ chồng cô Dương mới đến bản Nậm Ty. Anh Thủy nhìn vợ rồi quay sang lớp học xiêu xiêu dưới cơn mưa chiều mà nước mắt lưng tròng. Anh Thủy nghẹn ngào động viên: “Hết đợt mưa này anh đón em về luôn, khổ thế này đi không nổi thì sống làm sao được!”.
Nước mắt ngừng rơi vì những đứa trẻ không quần
Điều kiện sống vô cùng khó khăn thiếu thốn nơi vùng cao heo hút, đã có lần cô Dương nghĩ đến việc bỏ nghề. Đứng giữa ngã ba đường: Phần thương con, phần thương mình và phần thương học trò vùng cao nghèo khó, chính Dương cứ lưỡng lự chuyện về hay ở. “Thật không ngờ khi em nói những điều khiến em băn khoăn, lưỡng lự thì chồng em đã hiểu và khuyên em ở lại”, cô Dương cười nhẹ. Nhưng rồi nụ cười đó sớm vụt tắt khi cô chợt nhớ lại những ngày xa con.
“Dù đã chuẩn bị tâm lý, dù đã tự động viên vững vàng, vậy mà khi nhìn chồng về em như không còn là em nữa. Em đứng trước thềm lớp học khóc òa, chân cứ muốn bước mà tâm nặng trĩu giống người bị buộc đá níu lại nơi này. Học sinh của em toàn các cháu lên ba, lên bốn, chúng nhìn em và khóc theo em mà chẳng hiểu chuyện gì”… Rồi đến bây giờ, 12 năm “cắm bản”, cô Dương đã hiểu, chính những cặp mắt trong veo của các em đã giữ Dương ở lại, tiếp thêm cho Dương nghị lực để cô vượt qua những khó khăn, trở ngại.
Nậm Ty B là bản của đồng bào dân tộc Mông, cả bản có trên 50 gia đình với hơn 300 nhân khẩu. Ðếm trên đầu ngón tay cả bản chỉ có vài nhà kha khá, diện đủ ăn 10 tháng trong năm, còn lại là hộ nghèo, thiếu đói triền miên năm này qua năm khác. Cuộc sống của đồng bào như vậy bởi phần nhiều do tập quán sản xuất lạc hậu.
Nhóm mẫu giáo của cô Dương có 31 cháu thì có hơn nửa số cháu đến lớp đều cảnh có áo không quần. Nhìn cảnh học trò nheo nhóc, thiếu thốn, cô Dương đã tự nhủ: “Gian khó của mình đâu thấm với thiệt thòi của các trò nơi đây” bởi thế mà ngày qua ngày cô Dương đã lấy việc dạy trò làm nguồn vui lẽ sống. Suốt những năm qua, Dương quen với việc sáng sớm dọn dẹp, đón học sinh vào lớp, dạy các em học rồi lại tranh thủ nấu cơm trưa cho các con, cho các con ngủ.
“Mầm xanh” trên đỉnh Nậm Ty
Giữa bốn bề chỉ cây và núi, cuộc sống người giáo viên ở Nậm Ty thiếu thốn trăm bề. Năm điều thiếu cơ bản nhất ở đây là: Điện, nước sinh hoạt, sóng điện thoại, cơ sở vật chất và đường đi có cũng như không. Nhưng có lẽ nước sinh hoạt với các cô giáo ở Nậm Ty được xem là khó khăn nhất. Các cô phải tận dụng mọi nguồn nước từ các khe suối, thậm chí là hứng cả nước mưa. Có lúc khan hiếm còn phải đi xa vài cây số đường rừng để xin của bà con dân bản.
“Để có nước sinh hoạt, đặc biệt mùa khô chúng em phải đi xa bản vài cây số mới lấy được nước, nhiều lần chồng em lên thăm phải mang can đi lấy nước về cho vợ tích trữ dùng dần, mà phải rất tiết kiệm, quần áo thay ra phải gấp lại cuối tuần mang về nhà giặt. Nhớ con, gọi điện về đều phải chạy lên đồi, hay chạy ra chỗ có sóng được dò trước đó để nghe giọng con”, cô Dương rơm rớm nước mắt.
Hành trình mang con chữ đến với học trò vùng cao Nậm Ty không chỉ được đo đếm bằng chiều dài những quãng đường, mà hơn hết là sự tâm huyết, lòng yêu nghề. Sự cô lập giữa núi rừng hoang vu, trăm bề khổ nhưng cũng không thể làm nhụt chí người giáo viên mầm non ấy. Cô Dương túc tắc sống giữa mọi thiếu thốn, nhưng đối với các cháu mầm non thì lại rất nhẫn nại và đầy tình thương, vừa dạy, vừa dỗ các cháu tới trường mỗi ngày.
Suốt những năm trong nghề, không ít câu chuyện rơi nước mắt của đám trò nghèo với lòng kiên trì theo học giữa mùa đông giá rét. Lắm em vẫn co ro trong manh áo mỏng để ngồi nghe giảng mãi không thấy chán khiến cô thêm động lực yêu trường. “Dù dạy học trong điều kiện khó khăn, vất vả nhưng sự hồn nhiên, vô tư của các em học sinh và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào nơi đây đã luôn sưởi ấm tình yêu nghề của giáo viên”, cô Dương chia sẻ.
Ông Ly A Dua, Trưởng bản Nậm Ty bày tỏ: “Với giáo viên vùng cao nói chung, chuyện vượt khó bám trường, bám lớp không còn xa lạ. Nhưng hơn 10 năm liền xa nhà, bám trường, bám lớp, gắn bó với học sinh như cô giáo Dương thì thật đáng khâm phục. Cô giáo Dương thực sự tâm huyết với nghề và yêu thương con em đồng bào dân tộc Mông nơi này. Học được cái chữ, con cháu người Mông Nậm Ty tương lai sẽ bớt khổ”.
Tạm biệt Nậm Ty, dẫu biết hành trình “gieo chữ” phía trước còn không ít gian nan, song bằng sự nhiệt huyết và tình yêu nghề, những giáo viên “cắm bản” như cô Dương vẫn cứ thầm lặng hi sinh cho sự nghiệp “trồng người”. Mỗi con chữ mà các cô “gieo” hôm nay sẽ là mầm xanh của ngày mai, để ước mơ của học trò nghèo vùng cao Nậm Ty sẽ bay cao hơn, xa hơn, vượt qua đỉnh núi Nậm Ty mờ sương. Để tương lai Nậm Ty không còn nghèo khó.