Điểm thi phản ánh đúng chất lượng giáo dục và năng lực học sinh

Thứ sáu - 28/08/2020 20:33 236 0
GD&TĐ - Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được đánh giá tích cực, thể hiện được nỗ lực của học sinh và ngành Giáo dục trong một năm học đầy khó khăn vì dịch bệnh. Phổ điểm đáp ứng tốt mục tiêu xét tốt nghiệp, thuận lợi cho các trường ĐH xét tuyển là thành công thấy rõ của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Điểm thi phản ánh đúng chất lượng giáo dục và năng lực học sinh

Thông số đánh giá hiệu quả giáo dục

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, phổ điểm cho thấy đề thi năm nay phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT và thực tế dạy học trong năm học đặc biệt vừa qua. Điểm thi phản ánh tương đối chính xác kết quả học tập của học sinh, đánh giá được chất lượng quá trình dạy - học của trường phổ thông. Phổ điểm phân hóa rõ ràng, điểm số đáng tin cậy để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Kết quả này cũng là tham số quan trọng để địa phương thấy cần phải làm gì để có kết quả tốt hơn, đạt mục tiêu giáo dục theo Luật Giáo dục 2019.

“Năm nay, Vĩnh Long tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả với điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT là 6,538 - xếp hạng 12 so với cả nước. Tỷ lệ tốt nghiệp tạm thời của tỉnh đạt 99,4%” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh thông tin.

Công tác trong ngành Giáo dục, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ cảm giác lo lắng của phụ huynh, học sinh và  nhà trường trước kỳ thi, bởi thời gian ôn tập không nhiều nên ảnh hưởng. Dư luận thì lo rằng sẽ có “mưa” điểm 10, các trường ĐH khó trong xét tuyển. Nhưng, với phổ điểm thi vừa được công bố, có thể thấy kết quả thi đáp ứng mục tiêu chính của kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp. Điểm thi cơ bản cao hơn năm trước, đồng thời phân hóa khá rõ, do đó trường ĐH dễ tuyển sinh đầu vào. Kết quả này cũng cho thấy khâu ra đề thi bám sát chương trình giảm tải và đề tham khảo.

“Dù thời gian học không nhiều, nhưng Bộ GD&ĐT đã kịp thời hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình; thực hiện giảm tải chương trình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra rất nghiêm túc. Do đó, có thể nói, kết quả thi phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông và năng lực học sinh” - đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy nhận định.

Chuyên gia giáo dục – Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức)  cũng có đánh giá tích cực về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay. “Điểm thi cơ bản phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh” – Tiến sĩ Cường nhận định và cho rằng: Kết quả thi khá cao có thể giải thích bằng việc đề thi tập trung nhiều hơn vào kiến thức cơ bản, cốt lõi của chương trình, giảm bớt câu hỏi nâng cao. Điều đó phù hợp vì đây là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, phổ điểm thi theo từng môn, từng khối có độ phân hóa tốt, điều này tạo thuận lợi cho việc tuyển sinh đại học. “Cả hai yêu cầu được đáp ứng, đó là thành công. Kỳ thi cũng được tổ chức nghiêm túc,  các trường ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường nhận định.

Nhấn mạnh vào điểm trung bình từng môn thi, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, các môn (trừ Tiếng Anh) đều trên điểm trung bình. Điều đó phản ánh chất lượng giáo dục nói chung đạt yêu cầu của chương trình giáo dục quốc gia. Điểm Tiếng Anh và Lịch sử có cải thiện, tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao về chất lượng giáo dục, nhất là với môn Tiếng Anh và Lịch sử, Sinh học. 

Điểm thi phản ánh đúng chất lượng giáo dục và năng lực học sinh - Ảnh minh hoạ 2
Nỗ lực tổ chức kỳ thi của ngành Giáo dục nhằm đánh giá đúng và khách quan về chất lượng dạy và học.

Phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông

Cô Lê Hải Châu, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) cho biết: Điểm trung bình bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay là 6,62 điểm, tăng 1,13 điểm so với năm 2019. Điểm số có nhiều thí sinh (TS) đạt được nhất là 7 điểm. Có 119 TS đạt từ 1 điểm trở xuống chiếm 0,01% - tỷ lệ rất nhỏ - so với năm 2019 là 5,2 %. Số TS đạt điểm dưới trung bình là 75.779, chiếm tỷ lệ 9% (năm 2019 là 27,84%). Điểm đặc biệt là, năm nay có 2 TS đạt điểm 10 Ngữ văn trong khi năm ngoái điểm cao nhất là 9,5.

“Phổ điểm năm nay nhìn chung khá cao. Điều đó thể hiện nỗ lực, năng lực của học sinh trong năm học đầy khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Tôi cho rằng, kết quả thi phản ánh đúng năng lực của học sinh và chất lượng dạy học ở phổ thông, vì vậy các trường ĐH hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng kết quả này để xét tuyển” – cô Lê Hải Châu cho hay.

Điểm trung bình mỗi môn và phổ điểm thi theo từng khối thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đều tăng hơn năm trước được ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, lý giải: Năm học này, Bộ GD&ĐT tinh giản chương trình học kỳ II và đề thi phục vụ chủ yếu cho mục đích xét tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, đề thi cũng bám sát đề minh họa mà học sinh đã được thầy cô dựa vào đó để tổ chức dạy học.

“Tôi cho rằng, kết quả thi phản ánh khá trung thực kết quả dạy và học; giúp ngành Giáo dục các địa phương nhìn nhận, điều chỉnh việc dạy học trong các nhà trường. Điểm thi nhìn chung đánh giá tương đối đúng năng lực của học sinh vì có tính phân hóa cao, học sinh trung bình khá có thể thực hiện được khoảng 70% bài làm” – ông Trần Tuấn Khanh nêu quan điểm.

Điểm thi phản ánh đúng chất lượng giáo dục và năng lực học sinh - Ảnh minh hoạ 3
Sự phối hợp của các địa phương, bộ, ngành… đã làm nên thành công của kỳ thi.

Thuận lợi xét tuyển

Với chuyên môn về đo lường và đánh giá trong giáo dục, ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, phụ trách tuyển sinh, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đánh giá khá tốt về đề thi sau khi phân tích phổ điểm. Theo đó, các môn và tổ hợp môn đều có độ phân biệt, phân loại TS. Điểm thi hầu hết các môn tăng so với các năm trước, điều này là phù hợp khi kỳ thi có mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Phổ điểm của  môn Tiếng Anh, Lịch sử tăng cho thấy chất lượng dạy và học ở phổ thông có tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, 2 môn này vẫn có số điểm dưới trung bình khá, do đó, các trường phổ thông cần tiếp tục có giải pháp tích cực hơn nhằm nâng cao chất lượng trong những năm tới.

Dưới góc độ trường ĐH, ThS Nguyễn Vinh San đánh giá kết quả thi năm nay sẽ tạo thuận lợi cho các trường thuộc nhóm trên, khi số lượng TS điểm cao nhiều. TS cũng cần cân nhắc khi chọn trường phù hợp với kết quả thi của mình. Nếu chỉ so sánh điểm thi của mình với điểm chuẩn năm ngoái, rất có thể không trúng tuyển được vào trường phù hợp.

“Đối với Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT quyết định. Với phổ điểm năm nay, thuận lợi cho việc xét tuyển, khi số đông TS có điểm trung bình từ 19 điểm trở lên và chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm nay ở các trường sư phạm chủ chốt cũng tăng lên tạo cơ hội cho TS yêu thích nghề dạy học. Dù điểm thi năm nay có tăng, nhưng đồng thời chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm chủ chốt được nâng lên; chính vì vậy dự kiến điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng sẽ duy trì như mức điểm năm 2019; có thể tăng nhẹ ở một số ngành học như Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Giáo dục Tiểu học” - ThS Nguyễn Vinh San chia sẻ.

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – nhận định phổ điểm năm nay cao, điểm trung bình mỗi môn tăng khoảng 1 điểm so với năm trước; tuy vậy, điểm 10 không nhiều, trừ môn Giáo dục công dân.

“Dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng từ 1 - 3 điểm tùy ngành. Thí sinh nên tham chiếu thêm điểm chuẩn của năm 2017 - năm đề thi khá dễ. Với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm nay xét tuyển kết hợp 40% và sẽ công bố điểm chuẩn xét tuyển kết hợp trước 5/9. 60% chỉ tiêu dành cho xét theo điểm thi tốt nghiệp, nên dự đoán điểm chuẩn cũng sẽ tăng tương tự từ 1 - 3 điểm tùy ngành” - PGS.TS Bùi Đức Triệu cho hay.

Theo công bố của Bộ GD&ĐT, điểm trung bình của các môn thi như sau: Toán (6,68 điểm, có 273 TS đạt điểm 10); Ngữ văn (6,62 điểm, có 2 TS đạt điểm 10); Vật lý (6,72 điểm, có 10 TS đạt điểm 10); Hóa học (6,71 điểm, có 399 TS đạt điểm 10); Sinh học (5,59 điểm, có 121 TS đạt điểm 10); Lịch sử (5,19 điểm, có 371 TS đạt điểm 10), Tiếng Anh (4,58 điểm, 225 TS đạt điểm 10), Giáo dục công dân (8,14 điểm, có 4.163 TS đạt điểm 10).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập840
  • Hôm nay55,186
  • Tháng hiện tại333,316
  • Tổng lượt truy cập51,689,275
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944