“Điều ước cho em” đến với học sinh 4 địa phương
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai, thực hiện Chương trình “Điều ước cho em” tại các tỉnh thành trên cả nước.
Theo đó, trong tuần qua, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do các lãnh đạo Bộ dẫn đầu đã mang Chương trình đến với học sinh các tỉnh: Nghệ An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lựa chọn 63 thầy cô người dân tộc thiểu số thuộc 63 tỉnh thành là đại sứ "Điều ước cho em". Các thầy cô cũng thể hiện điều ước mong mỏi của mình thay cho học sinh vùng khó khăn là có ngôi trường an toàn, thân thiện, hạnh phúc. Đồng thời Bộ GD&ĐT cũng kết nối với nhiều đơn vị để chung tay góp phần thực hiện "Điều ước cho em".
Với ý nghĩa đó, chương trình "Điều ước cho em" không chỉ của riêng ngành giáo dục, mà lan tỏa đến nhiều Bộ, ngành, tổ chức khác để phát động rộng rãi trên cả nước.
Tại Nghệ An: Thứ trưởng Ngô Thị Minh đại diện Chương trình đã trao tặng 200 chăn ấm, 40 suất học bổng cho học sinh và 4 bộ máy tính cho Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An. Tổng trị giá quà tặng là 90 triệu đồng.
Dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng tặng 20 triệu đồng cho ngành giáo dục Nghệ An chăm lo tết cho cán bộ nhà giáo tỉnh; tặng 1 bộ máy tính cho Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An. Bên cạnh đó, tặng quà tết cho 7 giáo viên của 2 trường có hoàn cảnh khó khăn.
Tại Bạc Liêu: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao nhiều phần quà ý nghĩa như: Máy lọc nước, tivi, xe đạp, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn... của Trường Tiểu học C (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng và trao tặng một phòng máy tính trị giá 300 triệu đồng cho ngành GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu.
Tại Sóc Trăng: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đại diện Chương trình “Điều ước cho em” tặng tivi; máy vi tính; xe đạp; học bổng cho học sinh nghèo; sữa; bánh kẹo cho học sinh... Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng quà cho thầy cô giáo, tại điểm Trường Tiểu học 2, phường 2, Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đây là những hoạt động đầu tiên của Chương trình “Điều ước cho em” tại tỉnh Sóc Trăng.
Tại Trà Vinh: Chương trình “Điều ước cho em” tặng Máy lọc nước; tivi; xe đạp; học bổng cho học sinh nghèo; sữa; bánh kẹo cho học sinh... Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng quà cho thầy cô giáo, tại điểm Trường Tiểu học Đa Lộc A, huyện Châu Thành. Đây là những hoạt động đầu tiên của Chương trình “Điều ước cho em” tại tỉnh Trà Vinh.
Trường đại học đua nhau mở ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Từ những ngày đầu năm 2021, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến. Trong đó, đáng chú ý là nhiều trường ĐH mở thêm các ngành học mới, đặc biệt có những ngành được cho là “lai” giữa hai ngành truyền thống. tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước.
Những ngành học mới xuất hiện tại một số trường có thể kể đến: Ngành Robot và trí tuệ nhân tạo; Khoa học dữ liệu được coi như những mũi nhọn trong thời đại 4.0, trong khi đó, các ngành Kỹ thuật - công nghệ hiện có chỉ tích hợp một số học phần liên quan đến các lĩnh vực này để người học có thể ứng dụng vào chuyên ngành của mình, chứ chưa tập trung nghiên cứu - đào tạo chuyên sâu để khai thác một cách hiệu quả những thành tựu của robot, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu... vào thực tiễn đời sống và sản xuất.
Bên cạnh khối ngành kinh tế, kỹ thuật, khối ngành sức khỏe cũng được nhiều trường chú ý.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng mở thêm một số ngành mới như Kinh doanh nông nghiệp, Bất động sản, Luật kinh tế, Kiến trúc đô thị.
Trường ĐH Mở TP.HCM tuyển 4.500 chỉ tiêu, tăng gần 400 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Trong đó có một số ngành mới như: Quản lý công, Công nghệ thực phẩm, Ngôn ngữ Hàn Quốc.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyển 4.210 chỉ tiêu cho 68 ngành đào tạo.
So với năm ngoái, năm nay trường mở 16 ngành mới gồm: Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học, Sức khoẻ răng miệng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Chăm sóc bệnh trẻ em, Hoạt động trị liệu, Quản lý bệnh viện, Bất động sản, Kỹ thuật y sinh, Công nghệ sinh học y dược, Tâm lý học, Quản trị sự kiện, Quan hệ công chúng, Giáo dục tiểu học và Quản lý giáo dục.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM tuyển 3.495 chỉ tiêu. Trường dự kiến mở 5 ngành học mới gồm: Bất động sản, Tài chính quốc tế, Báo chí, Tâm lý học, Thiết kế đồ họa…
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển 6.600 chỉ tiêu. Trường mở thêm 2 ngành mới là Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng.
Hàng vạn học sinh nghỉ học tránh rét đậm
Tuần qua, được coi là tuần cao điểm của rét đậm, rét hại trên phạm vi rộng. Do nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C nên nhiều trường học ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh rét.
Hàng chục nghìn học sinh các địa phương đã phải nghỉ học để tránh rét, đảm bảo sức khoẻ. Các địa phương như: Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn, Hoà Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,…
Theo quy định cũ, phụ huynh học sinh theo dõi dự báo thời tiết lúc 6h20 sáng mỗi ngày trong Chương trình Chào buổi sáng của VTV1, nếu nhiệt độ dưới 10 độ C (với học sinh mầm non và tiểu học) và 7 độ C (với học sinh THCS), cha mẹ chủ động cho con nghỉ học.
Tuy nhiên, theo Công văn mới, các trường có thể lùi giờ học chứ không nghỉ học đồng loạt như trước đây. Như vậy, cha mẹ học sinh cần theo dõi sát thông báo của trường để cho con đi học muộn hoặc nghỉ học.
Như vậy, tùy tình hình từng địa phương mà từng tỉnh sẽ quyết định nhiệt độ cho học sinh nghỉ học.