Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Yêu cầu tất yếu

Thứ hai - 28/09/2020 07:15 3.564 0
GD&TĐ - Từ những hạn chế của cách thức kiểm tra, đánh giá HS trung học hiện hành, các GV, cán bộ quản lý giáo dục đều cho rằng, đổi mới hoạt động kiểm tra đánh giá là nhu cầu cấp thiết, và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT vừa được Bộ GD&ĐT ban hành đã đáp ứng yêu cầu này.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Yêu cầu tất yếu

Áp lực với cả thầy và trò

Theo cô Lê Thị Hải Anh, GV Trường THPT Thăng Long (Hà Nội), quy chế hiện hành quy định các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Bài kiểm tra thường xuyên là điểm hệ số 1, gồm có kiểm tra miệng và bài viết 15 phút. Hình thức kiểm tra miệng (kiểm tra bài cũ ) được xây dựng trong giáo án giảng dạy thường có thời gian từ 5 đến 15 phút lúc đầu giờ; GV có thể kiểm tra được từ 3 đến 5 HS. Hạn chế của cách kiểm tra này là số lượng HS được kiểm tra ít, chỉ kiểm tra được một phần kiến thức của bài và chưa thật công bằng với tất cả HS. Với bài 15 phút, vì thời gian ngắn nên lượng kiến thức được kiểm tra không nhiều; trong khi đó GV phải ra đề và chấm mất nhiều thời gian. Riêng bài kiểm tra định kỳ, bài kiểm tra 1 tiết và bài thi học kỳ sẽ theo phân phối chương trình các bộ môn, thường thực hiện cùng thời điểm giữa kỳ và cuối kỳ. Vì vậy, HS sẽ quá tải, phải ôn rất kiến thức của nhiều bộ môn cùng lúc, gây áp lực không nhỏ.

Từ những phân tích trên, cô Hải Anh cho rằng: Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá là cần thiết, vì hình thức đa dạng sẽ phát huy được năng lực học tập khác nhau của trò. Số lần kiểm tra không giới hạn và không cố định, HS sẽ không bị áp lực. “Đối với môn Địa lí dạy ở THPT, thực hiện việc đổi mới trong kiểm tra đánh giá sẽ có nhiều thuận lợi, do đặc trưng bộ môn đã có các bài tập thực hành, dự án, viết báo cáo...” – cô Lê Thị Hải Anh cho hay.

Nhiều năm dạy học, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, Tổ trưởng Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Hai, Trà Vinh trăn trở bởi số lượng kiểm tra nhiều, lúc nào HS và GV cũng lo đến kiểm tra. Như môn Ngữ văn, học kỳ I có 3 bài 1 tiết (trong đó có 1 bài về nhà); như vậy gần như mỗi tháng có 1 bài kiểm tra 1 tiết; chưa kể còn mấy bài kiểm tra 15 phút, sau đó là bài thi học kỳ I. Học kỳ 2 nhẹ hơn vì giảm 1 bài viết; tuy nhiên chừng đó cũng đủ để GV phải chấm chữa bài liên tục. “Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT sẽ không còn bài kiểm tra 1 tiết. HS không phải vất vả với nhiều bài kiểm tra; GV cũng không mất quá nhiều thời gian vào việc chấm, chữa. Đổi mới này, cả GV và HS đều nhẹ nhàng hơn trong dạy và học. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi ở HS ý thức tự học; GV cần thường xuyên nhắc nhở trò tự rèn ở nhà” – cô Nguyễn Thị Mỹ Dung cho hay.         

Là một trong những giáo viên có nhiều đổi mới trong dạy học, đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh trong thời gian qua, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) cho hay: Nếu giáo viên chỉ rập khuôn một cách máy móc, các cột điểm 15 phút, 1 tiết, kiểm tra kiến thức, ghi nhớ của học trò về môn học sẽ không thể đánh giá đầy đủ được sự tiến bộ của các em. Cách đánh giá này chưa toàn diện và cũng khó nhìn thấy hết phẩm chất, năng lực của học sinh ở bộ môn đó. 

Chưa kể, với việc có quá nhiều bài kiểm tra viết sẽ tạo áp lực về học tập cho học sinh. Chính vì vậy, đa phần các em chỉ chăm chăm học để kiểm tra, trả bài chứ không phải học để hiểu hay vì yêu thích bộ môn. Thầy Bảo lấy ví dụ: Trong quá trình thực hiện dạy học theo dự án bộ môn Ngữ văn, giáo viên đa phần chỉ cho điểm 15 phút. Điểm 1 tiết vẫn phải làm bài giấy, rất hiếm giáo viên dám “phá rào”. Có nhiều em khi làm bài kiểm tra 1 tiết, vì một lý do nào đó như bị cảm sốt, hay có chuyện buồn chẳng hạn… chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bài làm và điểm không tốt. Nhưng trong quá trình học tập, giáo viên ghi nhận học sinh có tinh thần phát biểu, chia sẻ…  nếu linh hoạt có thể cho điểm 15 phút “gỡ gạc” nhưng như vậy chưa thể đánh giá hết quá trình học tập của em. 

Ngoài ra, quá trình triển khai dạy học theo dự án, nhiều học sinh rất sáng tạo, giỏi công nghệ thông tin, làm poster, trình bày theo nhóm rất tự tin, giỏi thuyết trình, năng nổ… nhưng những điều này chưa thể hiện được hết trong cột điểm của bộ môn. Chính vì vậy, việc sửa đổi cách đánh giá học sinh, bớt bài kiểm tra trong cột điểm, giao sự chủ động cho nhà trường, giáo viên linh hoạt đa dạng cách đánh giá là hợp lý. 

Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Yêu cầu tất yếu - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh Trường THPT Ten Lơ Man (Quận 1) trong chuyên đề tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Ảnh: Phan Nga

Đổi mới là cấp thiết

Dưới góc độ quản lý, thầy Trần Huy - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong kiểm tra, đánh giá ở trung học. Hạn chế đầu tiên là phương pháp kiểm tra, đánh giá HS còn nghèo nàn, thiếu tính thực tiễn và sáng tạo và khô cứng. 

“Thực tế ở các trường học cho thấy, phương pháp kiểm tra đánh giá HS các môn học nói chung chủ yếu là làm bài kiểm tra trên giấy, với 2 hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan. Cả 2 hình thức này nhằm chứng minh HS nắm vững kiến thức để giải quyết một số câu hỏi, tình huống liên quan đến những kiến thức đã học. Năng lực mà HS được đánh giá với phương pháp này chủ yếu là  trình bày, diễn đạt, lập luận… Một số năng lực: Trình bày một vấn đề trước đám đông, xử lý tình huống, làm việc nhóm, độc lập sáng tạo… rất cần trong cuộc sống nhưng khó xác định được với các hình thức kiểm tra đánh giá như trên” – thầy Huy phân tích.

Kiểm tra, đánh giá cũng còn chú trọng mục tiêu dạy chữ, thiên về học thuộc lòng, kiểm tra trí nhớ một cách máy móc, đơn điệu, vụn vặt; kiểm tra kiến thức thiên về tái hiện kiến thức, xem nhẹ kỹ năng. Kết quả, HS ít động não, phân tích suy luận vào một lĩnh vực mà không thấy được lĩnh vực liên quan, nguyên nhân hoặc kết quả của nó. 

Bên cạnh đó, kiểm tra đánh giá hiện nay ở các trường phổ thông dựa vào mục tiêu chủ yếu là kết quả các kỳ thi như thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ, thi HS giỏi. Việc đo lường năng lực HS chủ yếu dựa vào điểm số các bài thi, trong khi những tiêu chí rất quan trọng như kỹ năng sống, lý tưởng của HS lại bị bỏ qua. Kiểm tra, đánh giá hiện nay chưa chú trọng đến kỹ năng, thái độ, chưa hướng đến mục tiêu làm người. Những hình thức kiểm tra mang tính độc lập, sáng tạo của HS như tìm hiểu thực thực tế rồi làm báo cáo, thuyết trình…  ít được thực hiện.

Một hạn chế dễ nhận thấy khác là phần lớn lời phê, sửa lỗi bài làm của HS còn chung chung, ít khai thác lỗi để rèn luyện tư duy cho HS. Một số lời phê của GV thiếu thân thiện, gây chán nản cho HS. Một bộ phận GV coi nhẹ kiểm tra đánh giá trong kiểm tra bài cũ, 15 phút, 1 tiết, ra đề còn qua loa, không có sự phân hóa HS. Nhiều GV ra đề kiểm tra với mục đích dễ chấm, chấm nhanh nên kết quả đánh giá chưa khách quan. Phần lớn GV chưa quan tâm đến quy trình soạn đề kiểm tra, nên các bài kiểm tra còn mang nặng tính chủ quan của người dạy.

“Cần cấp thiết đổi mới kiểm tra, đánh giá ở trung học”, đưa nhận định này, thầy Trần Huy cho rằng: Với yêu cầu mới của mục tiêu giáo dục, kiểm tra đánh giá cũng phải chuyển biến mạnh mẽ theo hướng phát triển trí thông minh, sáng tạo, khuyến khích HS vận dụng linh hoạt các đơn vị kiến thức, kỹ năng đã học vào tình huống thực tế. Tạo cơ hội cho HS phát triển ký năng tự đánh giá, giúp HS nhận ra sự tiến bộ của mình, khuyến khích động viên việc học tập. Nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực HS. 

Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Yêu cầu tất yếu - Ảnh minh hoạ 3
Theo Thông tư 26, học sinh THCS và THPT sẽ được bỏ bài kiểm tra một tiết. Ảnh minh họa.

Cơ hội cho thầy và trò

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP HCM) cũng cho rằng: Nhiều năm qua, giáo viên, nhà trường thực hiện đổi mới dạy học. Dạy học theo dự án, chuyên đề tích hợp, triển khai nhiều mô hình dạy học sáng tạo nhưng cách kiểm tra vẫn là… viết, theo kiểu trả bài, mô tuýp rập khuôn như nhau. Cách đánh giá này chưa theo kịp sự đổi mới sáng tạo, chưa thể đánh giá toàn diện năng lực của các em với từng bộ môn. 

Chính vì vậy, khi Thông tư 26 ban hành, thầy Phú rất ủng hộ sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá học sinh trung học và cho rằng những thay đổi trong thông tư có định hướng giáo dục, ngầm thay đổi phương pháp đánh giá rất rõ.  

Theo thầy Phú, hiện có một số người chưa hiểu rõ tinh thần của Thông tư 26, tuy nhiên nhà trường và các giáo viên đã nắm vững. Chúng ta cần phải hiểu rằng Thông tư 26 giao sự chủ động, linh hoạt trong đổi mới kiểm tra đánh giá học trò cho nhà trường, giáo viên. Song song với đó chính là sự đổi mới trong dạy học.

Đơn cử, với quy định giảm số đầu điểm cần hiểu giảm ghi vào sổ chứ không phải cho điểm một lần vào sổ. Tức là qua quá trình dạy học, giáo viên phải đánh giá học sinh với nhiều hình thức khác nhau như dạy học dự án, nghiên cứu khoa học, thí nghiệm, làm việc nhóm… Giáo viên cũng chủ động ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào kiểm tra đánh giá học sinh. Từ việc đa dạng kiểm tra, thầy cô sẽ cho nhiều điểm số và lựa chọn điểm tốt nhất cho vào cột điểm của học trò. Qua đó, sẽ thấy được sự tiến bộ, năng lực của các em, điểm mạnh điểm yếu và trách nhiệm với điểm số mà mình ghi vào cột điểm ấy.

Thầy Nguyễn Minh Trung, giáo viên Trường THPT Gia Định  (quận Bình Thạnh, TPHCM) nêu quan điểm: Mục tiêu giáo dục đã thay đổi chuyển từ việc dạy học nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học trò. Vì vậy việc đổi mới sáng tạo dạy học phải song song với đổi mới kiểm tra đánh giá.

Qua đó, học sinh được rèn luyện nhiều các kỹ năng, năng lực và phẩm chất thông qua các dự án, bài học theo chủ đề, tiết học hoạt động trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào đời sống… Với cách dạy học và kiểm tra đánh giá thay đổi, sẽ dễ thu hút và tạo hứng thú cho học sinh trong các dự án. Từ nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, giáo viên sẽ bao quát được cả kiến thức, lẫn thái độ, kỹ năng, năng lực và phẩm chất các em trong suốt năm học chứ không chỉ qua các bài thi viết như trước. Tuy nhiên, thầy Trung cũng đặt ra vấn đề, với những đổi mới của Thông tư 26, các kỳ thi cũng cần xem xét điều chỉnh để có sự đồng bộ trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh trong nhà trường. 

Đổi mới kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh quá trình dạy và học, là động lực của đổi mới phương pháp, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. - Thầy Trần Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập766
  • Hôm nay37,056
  • Tháng hiện tại315,186
  • Tổng lượt truy cập51,671,145
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944