Đặc biệt trong đào tạo trực tuyến, đây được coi là giải pháp căn cơ để vượt qua khó khăn của ngành giáo dục trong đại dịch Covid-19. Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và liên thông trình độ trong khu vực ASEAN là yêu cầu tiên quyết. Ở Việt Nam, không chỉ khi Covid-19 bùng phát, mà trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.
Khi dịch Covid-19 hoành hành, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình và hướng dẫn công nhận kết quả dạy học trực tuyến. Thực tế cho thấy từ cấp tiểu học cho đến đại học, các nhà trường đều từ thích nghi nhanh đã chuyển sang dạy học trực tuyến hết sức hiệu quả và đảm bảo chất lượng. Công nghệ đã thực sự hỗ trợ đắc lực trong những ngày giãn cách xã hội. Các trường học ở Việt Nam đã thực hiện tốt chủ trương “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
Thực sự trong “nguy” có “cơ”, Việt Nam đã cho thấy bài học thực tế hết sức cần thiết của chuyển đổi số trong giáo dục. Các trường học đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy – học. Thay thế các lớp học truyền thống bằng các công cụ livestream và các nền tảng giáo dục trực tuyến. Việc duy trì dạy và học online toàn phần hoặc bán phần trong giai đoạn giãn cách xã hội là minh chứng cho việc cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục.
Việt Nam là một quốc gia nằm trong cộng đồng ASEAN, các bên đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở trình độ cao (MRAs), trình độ trung bình và thấp (MRS). Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuận của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, cho tới nay đã phát triển bao gồm 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước, trong đó có 3 trường đại học của Việt Nam.
Thời điểm này cũng đặt ra cho các nước ASEAN cần phải quy hoạch và đổi mới định hướng phát triển của khu vực. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Phùng Xuân Nhạ đã đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của hợp tác giáo dục giữa các quốc gia trong cộng đồng ASEAN: Chìa khoá để có thể “đi cùng nhau và đi xa”, để đạt đến mục tiêu chung dài hạn chính là thúc đẩy chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau và lưu thông phân bổ nguồn lực linh hoạt giữa các nước thành viên.
Những nỗ lực của các thành viên trong khối đã cho thấy mong muốn hợp tác giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo. Vấn đề đặt ra đối với các quốc gia trong cộng đồng ASEAN là phải xây dựng hạ tầng công nghệ và đồng bộ hệ thống giải pháp số trên nền tảng phát triển công nghệ chung. Để hiện thực hóa điều này cần phải sớm có những trao đổi, thảo luận để xây dựng được hành lang pháp lí, hướng tới công nhận và hợp pháp hoá việc liên thông giáo dục giữa các nước trong khối thành viên, đặc biệt trong đào tạo trực tuyến.