Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường Đại học trên toàn quốc đã công bố điểm chuẩn xét tuyển 2018.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường chủ trì nhóm xét tuyển phía Bắc với sự tham gia của 55 trường đại học, vừa có chia sẻ về nguyên nhân điểm chuẩn năm 2018 giảm mạnh so với năm 2017 trên phóng sự của VTV1.
Điểm chuẩn giảm mạnh do điểm thi giảm và điểm ưu tiên khu vực giảm
Ông Tớp cho biết: "Ngay từ ngày 11/7 khi Bộ công bố điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2018, các trường lấy kết quả của kỳ thi này đã dự kiến điểm trúng tuyển vào các ngành năm nay giảm. Có 2 lý do nói điểm chuẩn năm nay giảm."
Trước hết về phổ điểm, mặt bằng điểm năm nay nói chung so với năm ngoái giảm.
Thứ hai là điểm ưu tiên khu vực theo kiến nghị của các nơi từ năm ngoái, năm nay giảm một nửa (khu vực năm ngoái hưởng 1,5 điểm năm nay chỉ còn 0,75).
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đã thực hiện thêm một bước - quyền tự chủ tuyển sinh của các trường là không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) mà các trường phải tự phân tích để đưa ra điểm sàn phù hợp.
Ông Tới cho rằng: "Ngay từ cái ngưỡng điểm nộp hồ sơ đã thấy rõ điểm sàn giảm từ 1,5 cho đến 2, 3 điểm so với năm 2017.
Năm 2017, kết quả thi THPT Quốc gia khá cao. Nếu so năm 2018 với những năm trước đây, và với 2015, 2016 đồng thời bỏ ưu tiên khu vực thì không có quá nhiều khác biệt. Sự khác biệt chủ yếu so với năm 2017, đây là một việc khó với các trường, tư vấn tuyển sinh cho thí sinh. Làm thế nào thí sinh cảm nhận được rằng mặt bằng điểm năm nay sẽ cao.
Các trường đại học miền Bắc năm nay xét tuyển tương đối tốt. Các trường cơ bản tuyển được một lượng thí sinh tốt hơn năm ngoái. Có trường năm ngoái tuyển ít hơn thì năm nay đã đủ và có thể xét nhập học đủ số lượng. Nhóm các trường xét tuyển miền Bắc đều khá thành công".
Đề thi khó nên điểm chuẩn là điều tất yếu
Trong khi đó, Phó Giáo sư Vũ Đức Lung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Nghệ Thông tin TP HCM lại cho rằng: "Đề thi THPT Quốc gia 2018 khó hơn năm 2017 nên lượng thí sinh đạt điểm cao ít hơn, dẫn đến điểm chuẩn giảm."
Nguyễn Thành Lân, tân sinh viên trường Đại học Công Nghệ Thông tin TP HCM chia sẻ: "Đề phân hóa rất là cao. Kiếm 5, 6 điểm thì dễ nhưng để lấy điểm cao hơn khá "đau đầu".
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trường phòng Đào tạo Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cũng đồng tình ý liến với ông Trần Văn Tớp rằng, điểm chuẩn giảm 1 phần do quy định thay đổi điểm thành phần ưu tiên giữa 2 khu vực của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, Tiến sĩ Thiện Lưu cho biết 1 số ngành, trường nhận được sự quan tâm ít của thí sinh dẫn đến việc giảm hồ sơ thí sinh đăng ký đầu vào.
Theo các chuyên gia, việc giảm chất lượng đầu vào của các trường là tất yếu, sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh. Vì có những ngành, trường đã tuyển đủ những thí sinh chất lượng theo diện xét tuyển học bạ.
Tuy nhiên các trường cũng không nên tuyển sinh bằng mọi giá để giữ chất lượng. Thực tế, nhiều trường đại học ở TP HCM đã phải cảnh báo học vụ hoặc cho nghỉ học hàng ngàn sinh viên vì điểm thi quá kém.
Theo ghi nhận, điểm chuẩn 2018 các trường top đầu đều giảm sâu. Nếu điểm chuẩn cao nhất vào trường Đại học Ngoại thương năm ngoái là 28,25, thì năm nay điểm chuẩn cao nhất vào trường này chỉ 24,1 điểm, giảm hơn 4 điểm. Trường Đại học Y Hà Nội mọi năm điểm chuẩn đều ở mức xấp xỉ 28 điểm đối với ngành Y đa khoa, năm nay ngành này chỉ 24,75 điểm.
Điểm chuẩn vào khối các trường công an, quân đội cũng giảm sâu. Tại Học viện An ninh nhân dân, điểm chuẩn cao nhất năm 2017 là 30,5 thì năm nay, điểm chuẩn cao nhất là 26,1. Điểm chuẩn vào Đại học Phòng cháy chữa cháy cháy cao nhất là 24,4, trong khi năm 2017 điểm chuẩn cao nhất là 30,35.
Riêng Học viện Cảnh sát nhân dân là một trong số những trường có điểm chuẩn ít chênh lệch nhất, chỉ giảm hơn 1 điểm. Điểm chuẩn khối các trường quân đội hầu hết đều giảm từ 3 - 5 điểm so với mức điểm chuẩn năm 2017. Đặc biệt, điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y khối A00 giảm đến 8 điểm xuống còn 20,05 điểm.