Môn thể dục không còn là nỗi ám ảnh của học sinh
Như học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có thể chọn theo học một trong 9 phân môn, gồm như học Bơi, Đá cầu, Bóng rổ, Cầu lông, Aerobic… Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Việc lựa chọn này đã giúp chất lượng giờ dạy tốt hơn, hiệu quả cao hơn, HS có điều kiện phát huy được năng khiếu trong thể dục thể thao. GV có điều kiện hướng dẫn kỹ về kỹ thuật cho các em, thành tích của HS vì vậy cũng được cải thiện. Nhưng quan trọng hơn cả là việc được chọn phân môn để theo học đã tạo được sự hứng thú cho cả của thầy và trò trong các giờ học”.
Thầy Lê Đình Lưu - Tổ trưởng tổ Thể dục, Trường THPT Ngô Quyền cho biết, với việc dạy - học Thể dục theo chuyên đề, HS lựa chọn phân môn để học thì các em sẽ có thêm thời gian thực hành, tự tập tại trường với sự hướng dẫn kỹ thuật của GV thay vì trước đây khi giảng dạy Thể dục với nhiều phân môn thì hầu như HS không có thời gian để thực hành, giáo viên giới thiệu kỹ thuật xong là hết giờ nên không khơi gợi được cho HS sự đam mê, thích thú đối với môn học. Theo như thầy Lưu thì HS rất thích thú, yêu thích những giờ học thể dục và có ý thức trong tập luyện, đầu tư dụng cụ chứ không kiểu bị buộc phải học như trước đây.
Riêng đối với bậc Tiểu học, từ năm học 2012 - 2013 đến nay, thành phố duy trì phong trào dạy học bơi - phòng chống đuối nước. Chỉ tính riêng trong hè 2018 này, UBND TP đã đầu tư lắp đặt mới thêm 20 bể bơi mới. Với 57 bể bơi đã được đầu tư, cấp kinh phí hoạt động trước đó, cùng với 3 bể bơi tại các trường THCS, THPT và các bể bơi tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong mùa hè 2018 này, Đà Nẵng ước tính có khoảng 28.000 HS được học bơi và các kỹ năng chống đuối nước.
Đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện
Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, các trường học của Bà Rịa - Vũng Tàu phải lựa chọn, bố trí ít nhất 4 môn thể thao ngoài trời như Bóng chuyền, Bóng đá, Bóng rổ, Bơi lội, Võ thuật… học sinh. Các trường cũng được yêu cầu phải mở cửa những không gian thể thao vào cuối mỗi ngày thứ Bảy, Chủ nhật để cho học sinh vào chơi; huy động các huấn luyện viên thể thao để hướng dẫn tập luyện cho học sinh.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ trong một buổi họp với ngành GD&ĐT Đà Nẵng rằng thà học sinh bẩn do chơi thể dục thể thao mà khỏe, còn hơn sạch sẽ mà yếu, còi. Và sân tập ở các trường không cần phải đầu tư lớn, không cần phải làm cho hoành tráng dẫn tới lãng phí mà đầu tư đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Bà Rịa Vũng Tàu cũng chủ trương chỉ xem xét xây dựng nhà thi đấu thể thao ở những trường có phong trào thể thao tốt, học sinh và giáo viên đam mê, tích cực tham gia, có thành tích trong các phong trào thể thao chứ không xây dựng ở tất cả các trường để tránh lãng phí. Đây là những nỗ lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thể thao học đường, cải thiện thể chất cho học sinh của địa phương này.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt và triển khai đầu tư xây dựng 21 sân thể thao tại các trường học trên địa bàn trong năm học 2017 - 2018. Theo đó, quy mô các sân sẽ tùy theo diện tích của mỗi trường.
Với các trường có diện tích sân nhỏ thì sẽ tập trung đầu tư sân chơi bóng chuyền, bóng đá, cầu lông; với những trường có diện tích rộng thì có thể đầu tư sân thể thao tổng hợp. Mức đầu tư thấp nhất là 200 triệu đồng/sân cho đến 2,7 tỉ đồng/sân bao gồm cả dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. Theo lộ trình của đề án thì đến năm 2019, sẽ xây dựng thêm 25 sân thể thao tại các trường học trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc phát triển thể thao trong trường học không thuần túy là phong trào mà là nền tảng để phát triển thể chất con người. Bởi lẽ, phát triển thể chất ở giai đoạn học đường rất quan trọng.