Mẹ của em ở trường…
Gần 20 năm gắn bó với giáo dục tiểu học, cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương – Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho rằng, để có được niềm tin, tiến bộ của học trò trong học tập nhất định phải có biện pháp giáo dục phù hợp.
Nhận chủ nhiệm lớp nào, cô Nguyễn Thị Lan Phương đều nghiên cứu kĩ hồ sơ, hoàn cảnh để có cách ứng xử phù hợp với học trò. Với những HS có hoàn cảnh đặc biệt (bố mẹ li hôn, chỉ có mẹ, hoặc ở với ông bà…), cô luôn dành sự quan tâm nhiều hơn bởi các em chịu thiệt thòi so với bạn cùng lớp.
Mặt khác, từ kinh nghiệm của cô cũng cho thấy, HS có hoàn cảnh éo le, thường nhút nhát, thu mình trong cả sinh hoạt hàng ngày lẫn học tập, ít giơ tay phát biểu. Do đó, nếu GV không quan tâm, động viên thường xuyên, các em sẽ càng tự ti, xa cách cô giáo, bạn bè và ngại học, kết quả học không tốt.
“Với những trường hợp đặc biệt, tôi thường xếp các em ngồi bàn trên, gần GV để nắm bắt được thái độ, tiếp thu của HS. Mặt khác, thường xuyên động viên và tạo điều kiện để các em được phát biểu, dành sự khen ngợi kịp thời cho mọi sự tiến bộ nhỏ. Thậm chí, trong giờ ra chơi, tôi chủ động “thủ thỉ”, khuyến khích HS mạnh dạn chơi cùng bạn. Gợi mở để bất kỳ điều gì khó khăn các em cũng có thể chia sẻ để tháo gỡ…”, cô Phương chia sẻ.
Cũng theo cô Phương, HS những bậc học càng nhỏ càng ưa nhẹ nhàng, tình cảm. Chỉ những việc đơn giản như chải lại đầu, tết tóc, chỉnh sửa quần áo sau giờ nghỉ trưa, trước khi đi học về cũng đủ giúp các em cảm nhận yêu thương gần gũi cô dành cho mình. Trong học tập, động viên HS bằng những sticker sao, hoa, rồi quy đổi thành quà tặng (gấu bông, sách truyện, đồ dùng học tập) giúp các em thêm động lực học tập.
Với trường hợp HS quá bướng bỉnh, hiếu động, không nghe lời… dù bực đến mấy, giáo viên cũng cố gắng kiềm chế cảm xúc. Quay đi chỗ khác để giải tỏa tâm lý, khi bình tĩnh tiếp tục giải thích, khuyên bảo học trò. Tuyệt đối không nặng lời với HS dù chỉ 1 câu.
Cô giáo trẻ Đỗ Huyền Trang – Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: 2 năm đầu tiên nhận dạy khối 1 không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, áp lực bởi HS từ MN lên, chưa quen với nền nếp, cách học tập. Do đó nếu thiếu kiềm chế, không kiên trì, GV dễ nổi cáu và không thể tận tâm khi dạy học.
Đến nay, cô Trang tự tin nhận lớp bởi đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm riêng, có thể tạo ra sự gần gũi, niềm tin của học trò nhanh chóng, đặc biệt có cách “thu phục” cả HS diện đặc biệt về tính cách, tâm lý.
Cô Trang chia sẻ: Năm học 2020 – 2021, lớp có 1 HS bị bệnh về tâm lý. Em không nói câu nào với cô và các bạn. Sẵn sàng vệ sinh ra quần chứ không gọi GV để xin đi vệ sinh. Nhiều lần như vậy, cô Trang chỉ lặng lẽ vệ sinh, thay quần áo cho học trò rồi thủ thỉ “lần sau đi vệ sinh con nhớ gọi cô giúp đỡ nhé. Đi vệ sinh ra lớp và quần vừa mất vệ sinh mà các bạn lại trêu cười con...”.
Sau 1 học kỳ nhẫn nại, vừa dạy vừa dỗ, nhẹ nhàng động viên… tới nay HS đã biết xin ra khỏi lớp đi vệ sinh, cần hỗ trợ gì đều gọi cô Trang.
Kinh nghiệm của cô giáo vùng khó Ôn Thị Lý – GV Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) trong việc xây dựng niềm tin, sự thân thiết giữa cô trò là một hành trình với nỗi vất vả riêng.
HS vùng cao ngoan và tình cảm nhưng nhút nhát, nhiều em tiếp thu chậm. Quá trình dạy học, GV phải kiên trì, dạy đi kèm dỗ dành, động viên khuyến khích. GV bên cạnh ghi nhận, khen ngợi bằng lời nói còn trích ra một phần lương để mua quà tặng học trò, giúp các em tăng động lực học tập.
Quá trình gắn bó học trò, hoàn cảnh HS nào khó khăn cô đều nắm rõ. Những bộ quần áo của con còn mới, cô giặt sạch sẽ cho vào túi nhẹ nhàng đưa các em sử dụng. Tránh để các em ngượng ngùng.
Khi dạy học, cô Lý luôn thận trọng trong từ ngữ, thái độ tránh động chạm khiến HS tự ái. Bởi khi tự ái, HS sẵn sàng nghỉ học ở nhà chơi hoặc lên nương với bố mẹ. Việc vận động trở lại trường lớp rất khó khăn. Bản thân HS cũng sẽ giữ khoảng cách, không mở lòng với cô giáo.
Tâm, tài tạo nên thành công giáo dục
Cô Nguyễn Thị Lan Phương khẳng định: Người thầy có được niềm tin, sự gần gũi của học trò sẽ tạo ra hiệu ứng giáo dục lớn. Những uốn nắn, dạy bảo của thầy cô có sức mạnh thuyết phục và sự chuyển hóa nhanh chóng theo chiều hướng tích cực ở người học.
Mặt khác, việc dạy học cũng hiệu quả hơn khi có sự đồng điệu giữa thầy và trò. Học trò có niềm tin thì sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết sẽ mạnh mẽ và dễ bộc lộ hơn. Khi đó, những ý tưởng của thầy với gia vị mà học trò “nêm” vào sẽ thúc đẩy GV không ngừng sáng tạo để đáp ứng sự tin tưởng, yêu quý của các em.
Làm sao để HS tin tưởng, hợp tác, coi GV như mẹ ở trường, không lo lắng, sợ hãi thầy cô và học tập… là một hành trình giáo dục đòi hỏi mỗi thầy cô tự tìm ra cách giải quyết vấn đề và đi tới thành công.
“Không thể áp đặt một phương pháp cho tất cả HS mà với mỗi đặc điểm tâm lý, trường hợp cá biệt… GV phải linh hoạt thay đổi để tìm được sự kết nối và đồng điệu với người học. Uy lực của thầy cô không có được khi cố gồng mình chứng tỏ. Cái uy cũng không được tạo lập bởi sự đãi bôi hay ngọt ngào. Nó được dựng xây bởi tình thương, trách nhiệm, kỷ cương, khả năng và bản lĩnh đích thực người thầy…”, cô Đỗ Huyền Trang bày tỏ.