Đặc biệt, hai nhà giáo cùng tên Hiệp, hoạt động trong lĩnh vực liên quan y tế đều có những thành tích và nỗ lực ấn tượng.
Nữ nhà giáo Top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á
PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981, Trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM) từng được tạp chí Asian Scientist vinh danh là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019 do có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.
Năm 2012, bà Hiệp gây chú ý khi từ chối mức lương 3.000USD/tháng và điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Hàn Quốc để trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh (IU), đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo.
Nói về PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, GS.TS Võ Văn Tới - nguyên Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh (IU) chia sẻ: Tôi nhận thấy ở Hiệp có tất cả đức tính đáng quý của một “người nhà quê”. Em cần cù, chịu khó, sống tình cảm, thật thà, ẩn sâu bên trong là ý chí độc lập, tính cách lạc quan và có nhiều ý tưởng vượt trội. Nhiều người cho rằng, nhờ những đức tính này mà nữ PGS đã vượt qua rất nhiều khó khăn khi mới về nước như bắt đầu phòng thí nghiệm với 3 không: Không tài trợ, không dự án, không máy móc để đạt được nhiều thành quả mang tầm châu lục trong sự nghiệp khoa học của mình.
Năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi, PGS Nguyễn Thị Hiệp giành được Giải thưởng L'Oreal và được Hội đồng Giải thưởng Khoa học L'Oreal - UNESCO đánh giá có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, tâm huyết với khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học. Năm 2017, nữ PGS xuất sắc đoạt giải Nhất - Giải thưởng ASEAN - US về “Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh - mảng sức khỏe cộng đồng”. Năm 2018, cô nhận được giải thưởng L'Oréal - UNESCO vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô. Công trình nghiên cứu này giúp cô đoạt giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019.
Với vai trò là Trưởng khoa Y sinh, bà mong ước sẽ phát huy chất lượng giáo dục của Khoa ngày một tốt hơn, hướng đến mục tiêu là đơn vị đầu tiên trong nước có thể trao cho sinh viên chứng nhận quốc tế; đồng thời trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc để phát triển công việc sau này.
Tiến sĩ y khoa trẻ nhất nước ứng cử ĐBQH
Tương tự, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp (sinh năm 1976) tạo sự chú ý khi vừa được giao nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM). Ông là tiến sĩ y khoa trẻ nhất nước thời điểm năm 2005. Ông Hiệp tốt nghiệp loại xuất sắc Tiến sĩ y khoa chuyên ngành Dịch tễ học lâm sàng ứng dụng tại Đại học Bordeaux (Pháp) năm 2005. Đồng thời, TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp cũng là một trong những gương mặt trẻ nhất được phong học hàm Phó Giáo sư ngành y khoa năm 2015.
Là giảng viên, cán bộ quản lý, tổ chức về đào tạo của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BS Nguyễn Thanh Hiệp luôn nỗ lực để tạo được môi trường học tập hướng đến tính chuyên nghiệp.Từ đó, đào tạo thế hệ bác sĩ trẻ giỏi về chuyên môn, nêu cao về y đức, chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất. “Mình tâm nguyện nếu đã là BS, điều quý nhất là hãy chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu mình tạo ra môi trường đào tạo nhiều BS tốt để giúp cho bệnh nhân, người dân thì càng quý hơn” - PGS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.
Đầu tháng 4 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM tổ chức hội nghị cử tri để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri tại nơi cư trú đối với PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp. Hội nghị đã tiến hành biểu quyết với kết quả 100% cử tri tham dự hội nghị đồng ý giới thiệu PGS.TSNguyễn Thanh Hiệp ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
“Ông Nguyễn Thanh Hiệp được giới thiệu ứng cử ĐBQH ở lĩnh vực Giáo dục - Khoa học - Y tế là đúng chuyên môn. Cử tri tin tưởng đồng chí Nguyễn Thanh Hiệp nếu trở thành ĐBQH sẽ phát huy năng lực, kinh nghiệm, thực hiện tốt vai trò người đại biểu của nhân dân” - một cử tri phát biểu tại hội nghị.
“Tôi tiếp tục chú trọng các hoạt động nghiên cứu về vấn đề người dân quan tâm như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế; ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế; Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19; Thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên…” - PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.