Theo ông Tiến, tại Hội đồng thi Hải Phòng, toàn bộ quá trình làm phách sẽ được tiến hành theo kế hoạch. Cán bộ dọc phách sẽ hoàn toàn cách ly trong suốt quá trình làm phách cũng như trong quá trình chấm thi.
* Vậy địa phương sẽ cần bao nhiêu người chấm thi kể cả những môn tự luận và các môn trắc nghiệm?
- Toàn tỉnh có 18.300 thí sinh đăng ký dự thi. Trên cơ sở đó, chúng tôi dự kiến huy động khoảng 700 người tham gia chấm thi, phục vụ đề thi .
* Việc chấm thi sẽ được thực hiện như thế nào để bảo đảm nghiêm túc, công bằng và khách quan, minh bạch?
- Để bảo đảm kỳ thi thành công trên mọi phương diện, trong đó có khâu chấm thi, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo ngay từ khâu làm phách. Theo đó, quá trình làm phách như tôi đã nói ở trên là cách ly toàn bộ những người làm nhiệm vụ.
Trong quá trình chấm thi, với sự phối hợp của PA03 công an thành phố, sẽ giám sát quá trình các thầy cô thực hiện chấm thi. Việc chấm thi sẽ được tiến hành hai vòng, vòng chấm lượt đi và vòng chấm phúc khảo.
Trong trường hợp có những thay đổi bất thường, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát vòng thứ ba và có thể kiểm tra đối chứng giữa lượt chấm đi và lượt chấm về để đảm bảo kết quả được minh bạch, chính xác, công bằng.
* Sở có lưu ý gì với cán bộ chấm thi, nhất là việc sử dụng phần mềm nhằm không để những sai sót xảy ra?
- Có một số thí sinh trong kỳ thi THPT thuộc diện đặc cách hoặc các em thuộc diện được miễn thi, nhưng khi sử dụng trên phần mềm nếu không đưa những thí sinh này ra, thì trên hệ thống sẽ báo điểm 0.
Chính vì thế, chúng tôi thực hiện quá trình tập huấn rất kỹ cho cán bộ liên quan đến quá trình chấm thi cũng như việc đưa các hệ thống điểm, nhằm tránh được những sai sót không đáng có.
* Đối với môn Ngữ văn thì sao, làm thế nào để hạn chế việc gian lận trong quá trình chấm thi – thưa ông?
- Tôi muốn nói đến kinh nghiệm của TP Hải Phòng trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ở Kỳ thi này, chúng tôi có chấm phúc khảo 328 bài thi môn Văn và không có bài thi nào sai biểu điểm.
Để thực hiện việc này, chúng tôi sẽ tiến hành chấm phúc khảo; nếu điểm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lượt đi thì 2 giáo viên chấm "lượt đi" sẽ tiến hành đối chứng với 2 giáo viên chấm "lượt về" để đưa ra kết quả thống nhất;
Trong trường hợp kết quả không thống nhất thì chúng tôi sẽ tiến hành mời chấm lượt ba để có kết quả công tâm, chính xác nhất, tạo được niềm tin của nhân dân, dư luận xã hội đối với ngành Giáo dục TP Hải Phòng nói riêng và ngành Giáo dục cả nước nói chung.
Xin cảm ơn ông!
"Trong quá trình chấm thi, chúng tôi sẽ phân công 2 đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, một đồng chí phụ trách phần chấm thi tự luận và một đồng chí phụ trách phần chấm thi trắc nghiệm. Đến vòng phúc khảo, chúng tôi sẽ đảo vị trí của 2 đồng chí Phó Giám đốc này, để đến ngày 27/8 sẽ công bố kết quả thi sau khi đã rà soát cũng như xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đảm bảo mọi kế hoạch đã được lập trước và theo đúng tiến độ đã đề ra" - ông Lê Quốc Tiến.