Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ông Đặng Văn Bình, phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhóm chuyên gia biên soạn Luật Nhà giáo, cùng hàng trăm giáo viên các bậc học tại TPHCM.
Việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cần có 5 nhà xây dựng
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của ngành giáo dục TPHCM cho hội thảo.
“Là Sở GD&ĐT đầu tiên thực hiện nhiệm vụ Bộ GD&ĐT giao, đây là hội thảo rất ý nghĩa và thể hiện trách nhiệm của ngành giáo dục TPHCM với Bộ GD&ĐT và chính là trách nhiệm đối với đội ngũ của mình. Đó không chỉ là trách nhiệm đối với các thầy cô giáo của TPHCM - một lực lượng rất đông đảo mà còn là trách nhiệm với đội ngũ của toàn ngành. Lực lượng nhà giáo ở TPHCM với một đặc điểm hết sức đa dạng, phong phú, số lượng lớn… thì những ý kiến của đội ngũ này rất là hữu ích”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quốc Hải |
Cụ thể, ngành giáo dục TPHCM trong thời gian góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo đã ghi nhận tới hơn 60.000 ý kiến đóng góp. Số liệu này đã thể hiện được ý thức, trách nhiệm của đội ngũ thầy cô giáo của TPHCM.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng Luật Nhà giáo để phát triển đội ngũ nhà giáo chứ không phải để quản lý, để có thêm những ràng buộc, phải làm sao để nhà giáo phát triển được lực lượng, môi trường làm việc, chế độ chính sách…
“Chủ đề hội thảo hôm nay là đi vào trọng tâm lâu nay việc quản lý nhà nước đối với nhà giáo như thế nào? Đó là phòng Nội vụ, sở Nội vụ quản lý về biên chế có quản lý về công tác tuyển dụng không? Ngành Giáo dục quản lý những nội dung gì, ưu điểm và hạn chế thế nào?…
Tất cả các nội dung này chúng tôi muốn nghe ý kiến của các thầy cô, những người sử dụng lực lượng nhà giáo, phát biểu. Các phát biểu và phân tích này phải trên cơ sở khoa học, thực tiễn và học tập kinh nghiệm của quốc tế để áp dụng vào dự thảo Luật Nhà giáo”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Đặc biệt, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề xuất để đội ngũ nhà giáo được phát triển về số lượng, chất lượng. Cụ thể, việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cần có 5 nhà xây dựng: nhà quản lý (những nhà hoạch định chính sách); nhà khoa học (các chuyên gia); nhà đào tạo (các cơ sở đào tạo giáo viên); nhà sử dụng (thầy cô hiệu trưởng ở các trường) và người thụ hưởng (đội ngũ học sinh, sinh viên…).
“Tôi đề nghị các thầy cô từ mầm non đến phổ thông phát biểu hết sức thẳng thắn, mong muốn xuất phát từ thực tiễn... Từ đó lan tỏa để tới đây trình ra thảo luận tại Quốc hội và khi luật được ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống”, Thứ trưởng nói.
Hàng trăm nhà giáo ở TPHCM tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật Nhà giáo. Ảnh: Quốc Hải |
Tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đại diện Ban soạn thảo đã thông tin về quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, các chính sách và điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật.
Cụ thể, theo ông Đức, Dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 2) có bố cục gồm 9 chương, 71 điều, được xây dựng dựa trên định hướng với 5 nguyên tắc cơ bản: Thể chế hóa quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục; Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo; Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần của Nghị quyết số 29/NQ-TW để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài xây dựng và phát triển con người Việt Nam hội nhập quốc tế.
Việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tạo sự bình đẳng và các cơ hội tiếp cận giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quản lý nhà giáo hiện nay.
Dự thảo Luật đề xuất một số chính sách nổi bật, bao gồm định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo; Quy định cụ thể về quyền nghĩa vụ của nhà giáo; Quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; Quy định về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; Quy định về đào tạo, bồi dưỡng đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; Quy định về quản lý nhà nước về nhà giáo.
Trong đó, quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, thăng tiến trong nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu.
Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo phải được xác định là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của ngành giáo dục.
Theo đại diện các nhà giáo, thời gian qua, dù đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhưng đội ngũ nhà giáo còn nhiều yếu kém, bất cập về cả số lượng, cơ cấu và nhất là về chất lượng và hiệu quả công tác chưa đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của tiến trình đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.
Các đại biểu nêu rõ, vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên, nhiều nhà giáo thiếu động lực giảng dạy, chưa yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở nhiều địa phương. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo.
Đại diện Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) đề xuất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: Quốc Hải |
Đại diện Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) đề xuất tháo gỡ bất cập thừa/thiếu giáo viên, điều chỉnh các quy định về quản lý nhà giáo theo hướng thống nhất quản lý nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống. Đồng thời tăng cường phân cấp, khẳng định vị thế, vai trò quản lý nhà nước của ngành giáo dục, chủ động điều tiết nhà giáo trên phạm vi từng tỉnh/toàn quốc dự thảo Luật quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 57 và Điều 58.
Trong khi đó, nhiều giáo viên cũng đánh giá hệ thống văn bản quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo còn chưa đồng bộ, chưa rõ đối tượng, dẫn đến việc hiểu áp dụng chính sách cho nhà giáo còn chưa có sự nhất quán…
Ngoài ra, một vấn đề cũng được nhiều nhà giáo quan tâm thảo luận là lực lượng nhân viên trường học gồm: Nhân viên thư viện, thiết bị, văn thư, kế toán, y tế, giáo vụ, tư vấn học đường, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng… - có hay không được công nhận chức danh “nhà giáo”?
Đại diện Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Chu Văn An kiến nghị: lực lượng nhân viên trường học chính là những người thầm lặng nhưng luôn thiệt thòi về các chế độ lương, phụ cấp (gần như không có), thời gian làm việc, xét thi đua, khen thưởng,… Nhiều nhân viên trường học sau nhiều năm gắn bó với nghề đã bỏ việc vì thu nhập không đủ sống, áp lực nhiều.
“Có nhân viên trường học công tác 20 năm lương chỉ nhận lương ở mức 6-7 triệu đồng mỗi tháng. Mức này là quá thấp so với mặt bằng chung. Nếu không có nhân viên trường học thì các cơ sở giáo dục không thể hoạt động, vận hành. Vì vậy nên xem xét trong dự thảo Luật Nhà giáo bổ sung nhân viên trường học là nhà giáo”, đại diện này nói.
Tác giả bài viết: Quốc Hải
Ý kiến bạn đọc