Hành lang an toàn cho đào tạo từ xa

Chủ nhật - 01/11/2020 06:05 309 0
GD&TĐ - Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ ĐH Bộ GD&ĐT ban hành tạo ra hành lang thống nhất để thực thi các chương trình đào tạo từ xa hiệu quả.
Hành lang an toàn cho đào tạo từ xa

Đồng thời bảo đảm chất lượng theo tinh thần tự chủ ĐH; nâng dần vị thế của loại hình đào tạo này trong tư duy và nhận thức xã hội.

Điều kiện tiên quyết 

Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo nguồn nhân lực của nước ta đang chuyển biến mạnh mẽ. Giáo dục từ xa ngày càng phát triển mạnh và trở thành xu hướng quan trọng để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Quyết định số 1559/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020 đề ra mục tiêu triển khai kiểm định đối với tất cả chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng. Vì vậy, Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ ĐH được ban hành là cần thiết. Thông tư được áp dụng với các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện chương trình đào tạo từ xa trình độ ĐH hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy định trên tác động tích cực với việc bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo từ xa.

“Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT gồm 3 chương 21 điều, trong đó bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng gồm 11 tiêu chuẩn và 55 tiêu chí (nhiều hơn 5 tiêu chí so với bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT). Về nguyên tắc, các tiêu chí đều quan trọng, bao quát đầy đủ yêu cầu (đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra và bối cảnh) mà cơ sở giáo dục ĐH và chương trình đào tạo phải đáp ứng để bảo đảm và nâng cao chất lượng. Do đào tạo từ xa có điểm đặc thù, khác biệt nhất định với thực hiện chương trình đào tạo tập trung (mặc dù không có sự khác biệt về chất lượng đào tạo), nên bộ tiêu chuẩn đánh giá có những nội dung khá đặc thù; nhất là ở các tiêu chuẩn về mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (tiêu chuẩn 1); hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học (tiêu chuẩn 4); đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, trợ giảng (tiêu chuẩn 5) và cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu (tiêu chuẩn 8)” – ông Lê Mỹ Phong cho hay.

Khẳng định sự cần thiết phải ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ ĐH, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương, nhấn mạnh: Rất cần quy chuẩn về kỹ thuật, chuyên môn, cơ sở vật chất, về giám sát chất lượng với hình thức đào tạo này để cơ sở đào tạo tuân thủ, xã hội giám sát. Thông tư 39 ra đời đáp ứng mong mỏi này của những người làm chương trình, người học và xã hội. Thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư là điều kiện tiên quyết để bảo đảm chất lượng hình thức đào tạo từ xa. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về chất lượng của trường đối tác cũng như biện pháp giám sát chất lượng của trường đối tác là hành lang an toàn cho hình thức đào tạo này. 

Hành lang an toàn cho đào tạo từ xa - Ảnh minh hoạ 2
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội triển khai học online cho các sinh viên đăng ký các lớp học phần được giảng dạy theo hình thức Blended Learning. 

Khẳng định chất lượng đào tạo 

“Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương tình đào từ xa, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cần nghiên cứu kỹ để thực hiện theo các quy định của Thông tư 39”. Nhấn mạnh điều này, ông Lê Mỹ Phong cho biết: Về thực tiễn, có điểm khác biệt nhất định (đối tượng người học, cơ sở hạ tầng, không gian học tập và nghiên cứu…) giữa việc thực hiện chương trình đào tạo từ xa và đào tạo tập trung, nhưng vẫn phải bảo đảm không có sự khác biệt về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra...

Do vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến việc quản trị, triển khai thực hiện chương trình để bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đáp ứng chuẩn đầu ra. Trong đó lưu ý việc đáp ứng tốt nhu cầu người học; quan tâm nhiều hơn tới chất lượng đội ngũ giảng viên… Người học chương trình đào tạo từ xa đa dạng, trong đó có nhiều người vừa làm, vừa học; do vậy, trong quá trình dạy học cần quan tâm nhiều hơn khả năng ứng dụng để giải quyết “bài toán” thực tế mà họ từng trải. Giảng viên đào tạo từ xa cùng lúc có thể đào tạo nhiều người học nên sức ảnh hưởng rất lớn, cần tuyển chọn được những người có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện điện tử… cần đặc biệt chú trọng để người dạy, người học có thể sử dụng hiệu quả mọi lúc, mọi nơi…

Với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, ông Lê Mỹ Phong lưu ý: Khi tổ chức đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng phải bảo đảm nguyên tắc đánh giá khách quan, không “hạ thấp” yêu cầu so với đánh giá các chương trình đào tạo truyền thống. Đồng thời, chú ý đến những đặc điểm đặc thù của chương trình đào tạo từ xa, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra như đánh giá các chương trình đào tạo truyền thống.
Nhận định về Thông tư 39, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho rằng: Thông tư tạo cơ hội để các trường có thể triển khai phương thức đào tạo mới phù hợp với điều kiện hiện nay. Về cơ bản, nội dung Thông tư phản ánh rõ các yêu cầu và tiêu chuẩn thực hiện đánh giá chất lượng chương trình. Tuy nhiên, TS Tôn Quang Cường hy vọng trong thời gian sớm nhất Bộ GD&ĐT sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để các cơ sở giáo dục ĐH dễ dàng tiếp cận và triển khai theo đúng tinh thần của Thông tư. Ví dụ: Yêu cầu cụ thể về năng lực đội ngũ giảng viên tham gia chương trình này, điều kiện để thực hiện triển khai về mặt kỹ thuật, hạ tầng, lựa chọn mô hình đào tạo từ xa, các điều kiện liên thông chuyển đổi, chấp nhận tín chỉ giữa chương trình đào tạo từ xa và chương trình chính quy hiện hành của đơn vị...

Nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới đã đề nghị thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với Trường ĐH Ngoại thương theo hình thức đào tạo từ xa, như ĐH Macquire (Úc), nhưng nhà trường chưa thực hiện vì thiếu hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng. Thông tư 39 là căn cứ quan trọng để trường đàm phán với đối tác và thực hiện các chương trình đào tạo theo hình thức đào tạo từ xa, tạo thuận lợi cho người học, đặc biệt là người đi làm mong mỏi theo đuổi việc học tập ở bậc cao hơn. - PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập706
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm705
  • Hôm nay39,762
  • Tháng hiện tại317,892
  • Tổng lượt truy cập51,673,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944