Hệ thống xếp hạng đối sánh hướng tới chất lượng, không phải thứ hạng

Thứ năm - 20/08/2020 04:40 534 0
GD&TĐ - Để nâng cao năng lực quản trị ĐH cả ở cấp vĩ mô và vi mô, cần có bộ công cụ quản lý chất lượng phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là để “đối sánh” các chỉ số bảo đảm chất lượng giữa các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu như vậy tại Hội thảo quốc tế giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên UPM.
Hệ thống xếp hạng đối sánh hướng tới chất lượng, không phải thứ hạng

Công cụ để các trường tự đánh giá

UPM (University Performance Metrics) là sản phẩm do nhóm nghiên cứu ĐHQG Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì. Là người trực tiếp phụ trách hệ thống, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho biết: UPM có 8 nhóm tiêu chuẩn (lĩnh vực) gồm 54 tiêu chí. Mỗi tiêu chí có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng 1.000 điểm. Lần lượt chỉ số thực tế của từng tiêu chí, từng tiêu chuẩn (lĩnh vực) đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao. 

Cụ thể, các tiêu chuẩn gồm: Quản trị chiến lược - 5 tiêu chí, trọng số 6%; Đào tạo - 15 tiêu chí, trọng số 35%; Nghiên cứu - 4 tiêu chí, trọng số 20%; Đổi mới sáng tạo 4 tiêu chí, trọng số 11%; Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - 4 tiêu chí, trọng số 6%; Công nghệ thông tin và tài nguyên số - 10 tiêu chí, trọng số 10%; Mức độ quốc tế hóa - 9 tiêu chí, trọng số 6%; Phục vụ cộng đồng - 3 tiêu chí, trọng số 6%. 

Xếp hạng này ngoài việc giúp nhận diện tổng thể, có thể phân tích điểm mạnh, yếu đến từng hoạt động, lĩnh vực của cơ sở giáo dục ĐH. Từ đây, hệ thống có thể cung cấp cho các trường ĐH một bộ chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc xây dựng và vận hành hệ thống như bộ chỉ số UPM có nhiều ý nghĩa. Trước hết, là một trung tâm dữ liệu và phân tích, UPM có thể hỗ trợ tư vấn cho hệ thống giáo dục ĐH quốc gia, cũng như các cơ sở giáo dục ĐH trong nước và  khu vực. Cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, đối tác. Người học có được thông tin chính xác về các trường ĐH để có thể lựa chọn trường, lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, kế hoạch tuyển dụng và hợp tác chuyển giao tri thức. 

“Tôi khuyến khích cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam nghiên cứu áp dụng và cũng khuyến nghị trường ĐH của các nước ASEAN tham khảo áp dụng bộ chỉ số đánh giá có tính hữu dụng, hiệu quả, để đánh giá/đối sánh chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH giữa các nước trong khu vực. Tôi tin tưởng quá trình áp dụng này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả việc tham chiếu khung trình độ các quốc gia với khung tham chiếu trình độ của ASEAN” – Bộ trưởng chia sẻ.

Hệ thống xếp hạng đối sánh hướng tới chất lượng, không phải thứ hạng - Ảnh minh hoạ 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Đối sánh chất lượng giáo dục ĐH” và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh UPM. Ảnh: Thế Đại

Hướng tới chất lượng thật

Một trong những ưu điểm của UPM theo đánh giá của các chuyên gia là không xếp hạng theo thứ tự mà trường nào thỏa mãn các tiêu chuẩn, tiêu chí thì được đánh sao tương ứng (từ 1 - 5 sao). Việc này sẽ tránh được hiện tượng các trường chú ý vào cạnh tranh thứ hạng hơn là chất lượng thật.

Là một trong số gần 40 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và ASEAN đầu tiên tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) được gắn 5 sao – mức cao nhất. PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng: UPM là hệ thống đánh giá đối sánh bằng hình thức gắn sao đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) quan tâm và đánh giá tốt. 

Hệ thống này cho phép các trường ĐH dễ dàng tham gia bằng cách cung cấp dữ liệu (có kiểm chứng) và nhận được điểm số, số sao từ hệ thống. Mặc dù trường ĐH tham gia nhận được điểm số, nhưng hệ thống sẽ chỉ phân loại và gắn sao (cao nhất là 5 sao). Tuy nhiên, kết quả sẽ giúp xã hội và các bên liên quan như người học, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp đối tác, cơ quan quản lý Nhà nước… có đánh giá khá khách quan về “chất lượng” của trường. Đồng thời, nhà trường cũng biết được điểm mạnh, yếu của mình để kịp thời đưa ra các quyết sách và giải pháp, điều chỉnh chiến lược, phương hướng cũng như mục tiêu phát triển, tăng sức cạnh tranh của nhà trường. Điều này, theo PGS Vũ Hoàng Linh là cần thiết trong bối cảnh số lượng trường ĐH ở Việt Nam khá lớn và chỉ một số ít có đủ điều kiện kiểm định chất lượng theo tiêu chí quốc tế, cũng như tham gia các bảng xếp hạng ĐH có uy tín trên thế giới.

Cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tự nguyện tham gia UPM, Trường ĐH Phenikaa được gắn mức 4 sao. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa - GS.TS Phạm Thành Huy - UPM là hệ thống đánh giá mới, có nhiều điểm ưu việt so với các hệ thống đánh giá đang có. Soi vào các tiêu chí của UPM, nhà trường biết mình đang ở đâu, cần thay đổi như thế nào, từ đó hoạch định chiến lược phát triển phù hợp. “Đây là công cụ hết sức hữu ích. Với đánh giá bao quát, đồng thời hướng tới xu hướng phát triển mới, UPM giúp các cơ sở giáo dục ĐH định hướng phát triển trong xu thế hội nhập. Đây cũng là một kênh tham khảo hữu ích để người học, xã hội đánh giá các trường ĐH” – GS Phạm Thành Huy cho hay.

Bên cạnh ghi nhận các ưu điểm, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề hệ thống xếp hạng đối sánh UPM cần hoàn thiện. Như góp ý của PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, một số tiêu chí như cơ sở vật chất, nguồn thu từ dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ… có thể xem xét bổ sung trong phiên bản sau này. Ngoài ra, cũng nên xem xét việc đánh giá mức độ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, bởi nếu chỉ căn cứ tỷ lệ bài báo/đề tài có hợp tác quốc tế trên tổng số chưa chắc đã phản ánh đúng. 

“Hệ thống đánh giá các trường ĐH theo 2 nhóm định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH ở Việt Nam không thể phân định một cách rạch ròi theo định hướng nào, vì thế cũng có thể đánh giá theo cả hai. Căn cứ kết quả, lãnh đạo nhà trường cân nhắc tập trung nguồn lực vào một định hướng hay vẫn duy trì cả hai. Cá nhân tôi hy vọng sẽ có nhiều trường ĐH ở Việt Nam và Đông Nam Á đăng ký tham gia tự đánh giá theo hệ thống này” - PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh chia sẻ.

Tôi đánh giá cao nỗ lực của nhóm xây dựng hệ thống được dẫn dắt bởi GS Nguyễn Hữu Đức, nhà khoa học, quản lý có kinh nghiệm. Đặc biệt, các tiêu chí liên quan đến đổi mới sáng tạo, hệ thống sinh thái đổi mới sáng tạo và hạ tầng công nghệ thông tin khá mới mẻ  với các trường ĐH Việt Nam, nhưng cũng hợp lý trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 mà giáo dục ĐH phải nhanh chóng bắt nhịp. - PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1143 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2930 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập452
  • Hôm nay72,206
  • Tháng hiện tại350,336
  • Tổng lượt truy cập51,706,295
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944