Học sinh các nước được dạy yêu lao động ra sao?

Thứ bảy - 30/04/2022 23:15 299 0
GD&TĐ - Nhật Bản, Singapore yêu cầu học sinh phổ thông trực nhật, dọn dẹp vệ sinh lớp học và khu vực chung của trường. Trong khi học sinh Mỹ đăng ký làm tình nguyện viên trong các viện dưỡng lão, câu lạc bộ địa phương.
Học sinh các nước được dạy yêu lao động ra sao?

Từ lớp 1, học sinh Nhật Bản tham gia vệ sinh trường học

Một câu ngạn ngữ nổi tiếng Nhật Bản nói rằng: “Cuộc sống luôn đi kèm với khó khăn, chỉ khi bạn làm việc chăm chỉ, bạn mới thực sự trưởng thành”. Vì vậy, giáo dục trẻ tinh thần yêu lao động có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục phổ thông Nhật Bản. Trong đó, dọn vệ sinh trường học (gakko soji) là cách hiệu quả để dạy trẻ về lao động.

Việc dọn vệ sinh trường học không phải quy định bắt buộc do Bộ Giáo dục Nhật Bản ban hành nhưng mọi trường học đều thực hiện xu hướng này. Các trường hầu như không thuê lao công hoặc những người này chỉ làm việc khó mà trẻ em chưa làm được như sửa chữa đồ đạc, phát quang cây cối.

Khi học sinh vào lớp 1, giáo viên hướng dẫn các em kỹ năng dọn vệ sinh cơ bản như quét rác, lau bảng, lau hành lang, cầu thang, cửa sổ. Giẻ lau do học sinh mang từ nhà đi còn chổi, cây lau nhà các trường có thể trang bị. Tủ đựng đồ vệ sinh dán nhãn hướng dẫn cách sử dụng.

Việc dọn vệ sinh trường học thường được chia làm ba nhiệm vụ chính, gồm dọn dẹp khuôn viên trường học, phục vụ bữa trưa và trực nhật.

Đơn cử tại Trường Tiểu học Omiya, Tokyo, Nhật Bản, đến giờ ăn cơm, học sinh sẽ phục vụ bữa trưa cho các bạn trong lớp. Cơm và thức ăn được nhà bếp chuẩn bị, chuyển đến từng phòng học. Học sinh lấy khay đựng cơm rồi lần lượt xếp hàng đến “quầy đồ ăn”, nơi một số bạn làm nhiệm vụ chia cơm. Có em lấy cơm, em khác gắp thức ăn cho các bạn. Sau khi các bạn ăn xong, một nhóm khác sẽ thu dọn và vệ sinh lớp học để chuẩn bị cho giờ nghỉ trưa.

Học sinh các nước được dạy yêu lao động ra sao? - Ảnh minh hoạ 2
Một giờ trực nhật của học sinh Nhật Bản. Ảnh: INT.

Với nhiệm vụ dọn vệ sinh, học sinh chia nhau sử dụng chổi, giẻ lau vệ sinh lớp học, hành lang, cầu thang, khu vực để giày... Các em sẽ chia thành các nhóm như nhóm quét dọn, nhóm thu dọn và đổ rác, nhóm lau dọn.

Một giáo viên Trường Tiểu học Omiya bày tỏ: “Các nhiệm vụ trên nhằm nuôi dưỡng tinh thần yêu lao động, trách nhiệm và tính độc lập. Học sinh cũng học hỏi lẫn nhau sau những giờ lao động, biết cách giúp đỡ bạn bè và hợp tác làm việc”.

Bên cạnh dọn vệ sinh, hoạt động phổ biến là “kakari katsudo”, có nghĩa học sinh tình nguyện lao động theo mong muốn cá nhân. Ví dụ, học sinh thích môn Thể dục sẽ xung phong chuẩn bị dụng cụ trước giờ học và dọn vệ sinh sau khi hết tiết. Học sinh thích hoạt động phong trào sẽ phụ trách tổ chức sinh nhật cho các bạn trong lớp... Bằng cách này, mỗi học sinh đều tìm được niềm vui thông qua lao động.

Mô hình trên tại Nhật Bản được đánh giá là khác biệt so với các nước phương Tây. Ở phương Tây, đa phần học sinh không phải dọn vệ sinh. Các trường đều thuê lao công để làm những nhiệm vụ này.

Học sinh các nước được dạy yêu lao động ra sao? - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh Singapore quét dọn lớp học sau khi tan trường. Ảnh: INT.

Singapore: Học sinh vệ sinh trường lớp vào khung giờ khác nhau

Từ cuối năm 2016, học sinh phổ thông tại Singapore được yêu cầu tham gia vào hoạt động dọn dẹp trường học. Bộ Giáo dục Singapore cho biết động thái này nhằm tạo cho học sinh thói quen tốt như tinh thần lao động, trách nhiệm mỗi cá nhân. Ngoài ra, lĩnh vực vệ sinh môi trường tại Singapore đang thiếu nguồn nhân lực. Do đó, nếu mỗi công dân được trau dồi tinh thần lao động từ nhỏ sẽ có ý thức bảo vệ môi trường, không coi lĩnh vực vệ sinh môi trường là công việc kém hấp dẫn.

Việc dọn dẹp được thực hiện vào các thời điểm khác nhau trong ngày như trước giờ vào học, trong giờ ra chơi hoặc trước giờ tan học. Không gian dọn dẹp bao gồm lớp học và không gian chung như căng tin, hành lang.

Trước đó, nhiều trường tiểu học, trung học đã khuyến khích học sinh dọn dẹp khuôn viên trường 5-10 phút mỗi ngày. Đồng thời, các trường tiểu học thường tổ chức trò chuyện với học sinh về lao động nhằm khuyến khích học sinh hỗ trợ gia đình làm việc nhà. Đơn cử, tại Trường Tiểu học Xingnan, học sinh tham gia dọn dẹp sau giờ ra chơi và cuối ngày học. Tại Trường Tiểu học Park View, học sinh dọn dẹp lớp học 5 phút trước khi ra về.

Còn ở bậc mẫu giáo, trẻ em được làm quen với các nghề nghiệp thông qua vui chơi, đóng giả tình huống... Các em được dạy rằng nghề nghiệp nào cũng cao quý và cần được tôn trọng. Không chỉ giúp định hướng nghề nghiệp, hoạt động này còn nâng cao ý thức của trẻ em về tinh thần làm việc chăm chỉ, trách nhiệm với công việc.

Học sinh các nước được dạy yêu lao động ra sao? - Ảnh minh hoạ 4
Học sinh Mỹ tham gia hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường.

Học sinh Mỹ: Lao động để “ghi điểm” trong hồ sơ ứng tuyển

Dạy trẻ yêu lao động có thể coi là một chương trình ngoại khóa tại Mỹ. Học sinh phổ thông Mỹ thường đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện do nhà trường phối hợp tổ chức cùng các cơ sở, tổ chức xã hội địa phương như trại dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, câu lạc bộ tình nguyện... Ở bậc THPT, học sinh thường đăng ký ít nhất một hoạt động tình nguyện sau giờ học.

Hoạt động trên đầu tiên giúp học sinh “ghi điểm” trong hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học. Bởi lẽ giáo dục Mỹ quan niệm kết quả học tập chưa phải là tất cả để đánh giá một học sinh. Những hoạt động ngoại khoá cũng là cách thức các em thể hiện tính cách và năng lực của bản thân.

Ngoài ra, tham gia tình nguyện giúp học sinh hiểu rõ giá trị của công việc và tiền bạc. Nếu làm việc chăm chỉ, các em sẽ trau dồi được nhiều kinh nghiệm thực tế, đồng thời, nâng cao giá trị hồ sơ cá nhân.

Bên cạnh đó, tại Mỹ khi trẻ đến tuổi đi học, cha mẹ đều khuyến khích con làm thêm để trang trải nhu cầu cá nhân. Giáo viên cũng hiểu điều này nên có thể hỗ trợ học sinh tìm chỗ làm thêm phù hợp. Đa phần học sinh Mỹ sẽ làm thêm ở bậc trung học. Các công việc có thể kể đến như phục vụ nhà hàng, quán ăn, bán hàng, trợ giảng, gia sư... Qua quá trình lao động vất vả, học sinh sẽ biết quý giá trị của đồng tiền và tầm quan trọng của việc lao động chăm chỉ.

Tại Nhật, mỗi lớp có bảng phân công học sinh trực nhật với từng nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo mọi học sinh đều phải tham gia dọn vệ sinh. Bằng cách này, các em học được rằng lao động là công việc chung, bình đẳng với mọi người nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu biết cách phối hợp theo nhóm. Đa số trẻ tiểu học chưa phải dọn nhà vệ sinh.

Tác giả bài viết: Tú Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập828
  • Hôm nay51,229
  • Tháng hiện tại329,359
  • Tổng lượt truy cập51,685,318
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944