Thẻ này cũng dùng để học sinh điểm danh, sử dụng như thẻ thư viện, mua thức ăn, nước uống tại căngtin hoặc các cửa hàng tiện lợi, đi xe buýt…
"Trường học không sử dụng tiền mặt" đang được thực hiện thí điểm tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thực hiện quyết định trên, ngành GD-ĐT TP.HCM xây dựng mô hình "Trường học không sử dụng tiền mặt". Đây cũng là một trong những nội dung của "trường học thông minh" mà TP đang hướng tới.
Việc triển khai cho học sinh dùng thẻ HĐTM cũng mang tính chất định hướng giáo dục cho các em học sinh kỹ năng và tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt với phương tiện thanh toán hiện đại; hạn chế các tiếp xúc của học sinh với tiền mặt… - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam.
"Trường học không sử dụng tiền mặt" thể hiện qua hai hình thức: phụ huynh thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt mà thông qua dịch vụ ngân hàng (như: ATM, Internet banking, chuyển khoản…); học sinh sử dụng thẻ học đường thông minh (HĐTM).
Trong đó, thẻ HĐTM có chức năng đóng học phí, các khoản phí khác và chi trả các dịch vụ phục vụ học sinh học tập… Thẻ này cũng dùng để học sinh điểm danh, sử dụng như thẻ thư viện, mua thức ăn, nước uống tại căngtin nhà trường hoặc các cửa hàng tiện lợi, đi xe buýt…
Ông Lê Hoài Nam - Ảnh: HH.
Mong muốn triển khai từ lớp 1
- Thưa ông, như vậy phụ huynh sẽ chuyển tiền vào thẻ HĐTM và học sinh sẽ tiêu xài tùy ý?
Thẻ HĐTM được xem là thẻ phụ được phát hành dựa trên tài khoản tiền gửi thanh toán (thẻ thanh toán chính) của phụ huynh. Khi học sinh sử dụng thẻ thì ngay lập tức các bậc cha mẹ sẽ nhận được tin nhắn con em mình đang dùng thẻ để mua sắm cái gì, số tiền bao nhiêu… Điều này giúp phụ huynh quản lý con em mình tốt hơn và chặt chẽ hơn.
Việc triển khai cho học sinh dùng thẻ HĐTM cũng mang tính chất định hướng giáo dục cho các em học sinh kỹ năng và tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt với phương tiện thanh toán hiện đại; hạn chế sự tiếp xúc của học sinh với tiền mặt. Qua đó cũng có thể hạn chế các tình huống xấu do sử dụng tiền mặt có thể phát sinh.
Do vậy, chúng tôi cũng mong muốn cho học sinh sử dụng thẻ này ngay khi các em vào lớp 1, tức là trẻ từ 6 tuổi.
Năm học 2018-2019, TP đã thực hiện thí điểm việc cho học sinh dùng thẻ HĐTM ở Trường THCS Lý Thánh Tông, quận 8: cùng với việc xây dựng hạ tầng cơ sở thì hiện đã có 333 học sinh khối lớp 7 dùng thẻ này. Dự kiến trong vài tuần tới, khi hạ tầng cơ sở được hoàn thiện, năm học 2019-2020 tới Trường Lý Thánh Tông sẽ mở rộng cho 100% học sinh các khối lớp đều được sử dụng thẻ HĐTM.
- Nhưng có phải tất cả phụ huynh đều đồng thuận với việc cho con em họ dùng thẻ HĐTM?
Cũng xin nói thêm là mô hình "Trường học không sử dụng tiền mặt" đã được thực hiện thí điểm tại TP.HCM từ năm 2014. Tuy nhiên, mô hình còn rất mới nên chúng tôi thực hiện theo lộ trình.
Thời gian đầu chỉ có một số trường thực hiện nội dung 1: phụ huynh thanh toán học phí không bằng tiền mặt nhưng song song đó, nhà trường vẫn duy trì hình thức thu học phí trực tiếp để phục vụ những phụ huynh muốn dùng tiền mặt.
Đến nay, đã có hơn 300 trường THCS, THPT thực hiện cả 2 nội dung. Tuy nhiên, ở nội dung 2, học sinh mới chỉ dùng thẻ HĐTM để điểm danh và đọc sách chứ chưa dùng vào việc thanh toán phí.
Học sinh trường THCS Lý Thánh Tông dùng thẻ học đường thông minh để mua nước uống tại quầy bán nước tự động - Ảnh: NHƯ HÙNG.
Phụ huynh kiểm soát được chi tiêu của con cái
- Theo ông, trong quá trình triển khai, các trường đã gặp khó khăn và thuận lợi gì?
Có thể thấy ngay những lợi ích như: thầy, cô giáo không phải kiêm nhiệm việc nhắc nhở và thu học phí của học sinh hằng tháng; nhà trường giảm áp lực về nhân sự và thời gian sau mỗi đợt thu học phí;
Phụ huynh cũng tiết kiệm được thời gian và công sức vì không phải trực tiếp đến trường vào những ngày quy định để đóng học phí và các khoản khác (họ có thể thanh toán học phí thông qua nhiều phương thức như: ủy thác thanh toán tự động, Internet banking, cổng thông tin học đường SSC, máy POS tại trường, chuyển khoản, tại ngân hàng…).
Chưa kể các bậc cha mẹ cũng quản lý được việc sử dụng tiền của con em; hạn chế việc học sinh sử dụng tiền mặt để chơi game ở các tiệm net, mua quà vặt, hàng rong trước cổng trường…
Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến trong xã hội. Nhiều phụ huynh chưa rành việc sử dụng công nghệ nên ngại dùng thẻ. Do đó, việc triển khai "Trường học không sử dụng tiền mặt" chỉ ở mức tương đối và mang tính chất tự nguyện, phụ huynh nào không thích vẫn có thể sử dụng tiền mặt để đóng học phí.
- Thật ra, đối tượng phụ huynh là người lao động chân tay, buôn gánh bán bưng… chắc chắn họ sẽ không có nhu cầu dùng thẻ?
Đúng là có khó khăn. Nhưng thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để có những giải pháp hỗ trợ tối đa cho đối tượng phụ huynh này.