Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Lê Minh Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội đã có những chia sẻ với báo chí.
Theo PGS.TS Lê Minh Thắng, những điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thực sự chú trọng vào việc đưa ra những chính sách tích cực nhằm nâng cao vai trò của Hội đồng trường. Mục đích là để tạo điều kiện cho Hội đồng trường có quyền lực thực sự chứ không phải chỉ ghi trong luật. Cá nhân tôi cũng mong đợi nhiều.
Trước những ý kiến còn băn khoăn, lo lắng giữa quyền hạn của Ban Giám hiệu với Hội Đồng trường và giữa Hiệu trưởng với Chủ tịch hội đồng có thể nảy sinh, PGS.TS Lê Minh Thắng cho rằng, đa số mọi người cũng chưa hiểu rõ lắm về quy định này.
Việc quy định như hiện nay hay những gì đưa ra trong luật không có ảnh hưởng gì. Nếu như các nhà lãnh đạo ở bên ngoài có tham gia vào Hội đồng trường cũng không lo ngại rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, vì tất cả các quy định về quyền hạn của Ban Giám hiệu, thành viên của Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường đều cần được làm rõ trong quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường.
Điều này phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Chức năng nhiệm vụ của mỗi thành phần tham gia đều đã rõ ràng. Vậy thì họ ở đâu họ sẽ đóng vai trò ở đó và thực hiện theo vai trò của mình.
Có thể nói, những quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã thể hiện hết sức mạnh mẽ trên tinh thần tự chủ. Theo đó, sẽ phát huy tối đa quyền lực của Hội đồng trường.
Cũng cần hiểu rằng, mọi quy định đưa ra đều chưa thể hoàn thiện được, đâu đó vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, những gì đã quy định trong luật sẽ tạo nên một bước tiến mạnh mẽ và nó sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình tự chủ đại học.
Theo PGS.TS Lê Minh Thắng, việc áp dụng Luật vào thực tế cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, những trường tự chủ thực sự, với đầy đủ những quy định về quyền hạn và trách nhiệm được nâng cao như vậy thì vai trò của Hội đồng trường sẽ được phát huy.