Tại buổi làm việc, các nội dung thảo luận hướng tới cụ thể hoá các hoạt động xây dựng 2 bộ tiêu chí huyện và tỉnh, thành phố học tập dành cho Việt Nam (1 bộ tiêu chí áp dụng cho huyện và 1 bộ tiêu chí áp dụng cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục thường xuyên (GDTX), dự thảo đưa ra một số tiêu chí chung, những quan điểm cơ bản về xây dựng, cách lan toả và thực hiện trong thực tiễn về đánh giá huyện học tập, tỉnh học tập.
Về phương pháp tiếp cận: Ưu tiên kế thừa tối đa kết quả của các bộ tiêu chí trước đó. Khi xây dựng 2 bộ tiêu chí mới, trừ các tiêu chí có tính đặc trưng được nhắc lại, các tiêu chí trùng lặp với các bộ tiêu chí đã có sẽ không được đưa vào. Điều này nhằm đảm bảo tính logic, khoa học và gắn với thực tiễn của 2 bộ tiêu chí mới.
Các bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở bám sát khung đánh giá của Unesco (37 tiêu chí), tham khảo từ các nước trên thế giới để thực hiện và hướng tới hội nhập quốc tế. Nghiên cứu chọn lọc đưa những điều mới, cập nhật và cần thiết đối với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng Ban phong trào, Hội Khuyến học Việt Nam, cơ bản đồng ý với các tiêu chí nêu trong dự thảo. Tuy nhiên, mong muốn bộ tiêu chí được xây dựng ngắn gọn, có thể số hoá để thuận tiện cho công tác đánh giá trên quy mô lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kết luận: Chúng ta nên ưu tiên xây dựng 2 bộ tiêu chí huyện học tập và tỉnh/thành phố học tập dựa trên kết quả đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã (Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT) và đơn vị học tập (Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT). Dựa trên cơ sở đánh giá từ các cấp hành chính nhỏ để đánh giá đơn vị hành chính lớn hơn. Hạn chế tối đa số lượng các tiêu chí, tăng tính định lượng cho các tiêu chí để các đơn vị dễ hiểu, dễ thực hiện. Phương châm là càng định lượng hoá các tiêu chí, càng gọn càng tốt.