Khi yêu thương được nói thành lời

Thứ hai - 15/02/2021 00:53 313 0
GD&TĐ - Nếu không có những vòng tay ấm áp, đầy tình yêu thương, chăm sóc; không có những kết nối âm thầm, thu xếp vẹn toàn của những thầy cô giáo, có lẽ nhiều HS mồ côi đã sớm phải bỏ học, không nơi nương tựa...
Khi yêu thương được nói thành lời

Nối dài yêu thương

Giữa bộn bề công việc của những ngày đầu năm mới, thầy Hồ Văn Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc nội trú (DTNT) Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn tìm cách kết nối với một số nhà hảo tâm đề nghị giúp đỡ hai anh em mồ côi Phạm Văn Kha, Phạm Văn Khôi.

Những lo lắng lặng thầm của thầy cô giáo đã giúp đường đến trường của nhiều HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bớt đi những chông chênh, thiệt thòi, nhen nhóm trong các em những điều tốt đẹp về một tương lai tươi sáng, rộng mở. 

Kha và Khôi là HS lớp 4, lớp 3 ở điểm trường chính của Trường Tiểu học DTNT Trà Vân. Vốn đã thiếu tình thương yêu của mẹ, chỉ sau Tết Dương lịch 2021 mấy ngày, anh em Kha mất luôn chỗ dựa cuối cùng khi người cha qua đời. Hai cánh chim non côi cút, ngơ ngác, chưa thấm hết nỗi đau thiếu vắng cả cha lẫn mẹ trong quãng đường dài hun hút còn lại. Thầy Hạnh trăn trở: Về lâu dài, chuyện ăn ở của các em cũng phải được tính toán, thu xếp lại. Vì nhà ở gần trường nên các em không thuộc diện được ở bán trú. Tuy nhiên, buổi trưa, 2 em vẫn được hỗ trợ tiền ăn theo chính sách trợ cấp của UBND tỉnh. Các em có thể ngủ lại trường với các bạn, nhưng bữa ăn tối của 2 em sẽ như thế nào? Chính vì vậy, chúng tôi kết nối với một số nhà hảo tâm, kêu gọi bảo trợ để các em không quá vất vả, chật vật khi tuổi còn quá nhỏ.

Trong vụ sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Sinh (xã Trà Vân) và những đợt bão lũ liên tiếp sau đó, Trường Tiểu học DTNT Trà Vân có một số em HS mồ côi cả cha lẫn mẹ. “Chi phí ăn học của những HS này không quá lo lắng vì các em đã có chính sách hỗ trợ. Cần nhất với các em là chỗ dựa tinh thần, sự gần gũi, động viên của thầy cô giáo để vơi bớt những khủng hoảng, mất mát. Với những HS có hoàn cảnh gia đình quá đặc biệt như vậy, thầy cô giáo sẽ có những quan tâm, chăm sóc đặc biệt, nhất là vào dịp mỗi cuối tuần, khi HS bán trú được đón về với gia đình” – thầy Hạnh chia sẻ.

Mặc dù năm 2019, Trường Tiểu học Trà Vân mới trở thành trường phổ thông dân tộc bán trú, thế nhưng năm học 2014 – 2015, trường đã hoạt động theo mô hình này. Các thầy cô giáo tình nguyện đóng góp ngày công, vào rừng kiếm gỗ dựng nhà, ổn định nơi ăn chốn ở cho HS. Sau mỗi giờ lên lớp, thầy cô chia nhau lo chợ búa, cơm nước, chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ, rèn nền nếp sinh hoạt, hướng dẫn các kỹ năng tự phục vụ… Những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của tập thể giáo viên nhà trường đã giúp duy trì được sĩ số, để các em không vì đường sá xa xôi mà nghỉ học giữa chừng. Có những HS người dân tộc thiểu số, vì điều kiện kinh tế khó khăn, đã chọn ở lại trường kể cả các ngày cuối tuần. Thầy cô giáo, dù điều kiện không mấy dư dả, cũng tìm cách bù đắp, tổ chức bếp ăn để HS yên tâm học tập. 

Khi yêu thương được nói thành lời - Ảnh minh hoạ 2
Thầy cô giáo Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn tặng quà Tết cho HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Người mẹ thứ hai

Tập thể thầy cô giáo Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn trở thành người cha, người mẹ thứ hai để những HS mồ côi yên tâm học tập.

Tốt nghiệp THPT năm 2020, Hồ Thị Y Na trúng tuyển vào ngành Báo chí, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Không thể tả hết được niềm vui sướng, hạnh phúc của bà Hồ Thị Manh – bà ngoại của Y Na về kết quả học tập của đứa cháu sớm côi cút nhưng đầy nghị lực.

Mồ côi cha từ khi lọt lòng, Na ở với bà ngoại khi mẹ đi bước nữa. Thương cháu thiếu vắng tình mẫu tử, dù khó khăn, chật vật nhưng bà ngoại vẫn chăm cháu ăn học cho đến năm lớp 9 thì không thể kham nổi. Không để cho cô học trò nhỏ phải dở dang việc học, thầy cô giáo ở Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn đã hỗ trợ Na trong suốt 4 năm học phổ thông. Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thứ còn tính cả đường xa hơn khi làm cho Na một quyển sổ tiết kiệm. Mang nỗi lo của một người mẹ, cô Thứ thu xếp làm sao “để nếu các em đỗ ĐH hay đi học nghề  sẽ có đủ kinh phí trong ít nhất học kỳ đầu tiên. Hoặc nếu các em không học lên, cũng có chút ít vốn liếng để tính đến chuyện mưu sinh”.

 Cứ tích tiểu thành đại như thế, ngày tốt nghiệp THPT, Y Na có được một sổ tiết kiệm với gần 15 triệu đồng. Cô Thứ cũng kết nối với quỹ học bổng của báo Tuổi trẻ hỗ trợ cho tân SV có hoàn cảnh khó khăn để Y Na được xét duyệt học bổng. Cứ thế, những khó khăn, lo lắng về kinh tế cho ngày nhập học đại học của hai bà cháu Y Na cũng vơi bớt phần nào. Bà Manh không giấu được niềm vui: “Nhờ thầy cô ở trường mà Y Na được học hết cấp 3, có tiền vào học đại học. Thầy cô như người mẹ, người cha thật sự của cháu”. 

Khi yêu thương được nói thành lời - Ảnh minh hoạ 3
Các cô giáo Trường Tiểu học DTNT Trà Vân thay phiên nhau chăm sóc em Đinh Hoàng Thái trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Thái mồ côi cả cha lẫn mẹ trong vụ sạt lở ở nóc Ông Sinh, bản thân em bị chấn thương nặng hiện chưa thể đi học trở lại. 

Tiếp sức cho HS mồ côi

42 HS mồ côi cha hoặc mẹ, trong đó có 9 HS mồ côi cả cha lẫn mẹ của Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn đều được thầy cô giáo nhận đỡ đầu, quan tâm tới từng diễn biến tâm lý của lứa tuổi “ẩm ương”, sắm sửa cho từng tấm áo mới. Thầy cô trở thành chỗ dựa tinh thần cho các em những lúc chới với, hụt hẫng chỉ với mong muốn các em không quá thiệt thòi, tự ti trước chúng bạn cùng trang lứa.

Trong vụ sạt lở kinh hoàng ở thôn 3 (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn), nhà trường có nhiều HS bỗng chốc trở thành mồ côi, không có cả một mái nhà để về. Những ngày đó, thầy cô giáo thường xuyên bên cạnh hai HS Hồ Văn Lan và Hồ Thị Sơ, giúp các em vơi đi những đau thương, mất mát để đối diện với thực tế. Nhiều đêm liền, cô Hoàng Thị Quỳnh Ly đưa Sơ về nhà mình ngủ, để em ổn định lại tinh thần trong những ngày hoảng loạn, khi không tìm được tung tích của mẹ trong đống đổ nát. Giờ tự học, cô Quỳnh Ly cũng bên cạnh Sơ.

Khi yêu thương được nói thành lời - Ảnh minh hoạ 4
Thầy cô giáo Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn luôn quan tâm, gần gũi với những HS mồ côi được bảo trợ, đỡ đầu. 

Tương tự, từ hôm Hồ Văn Lan suy sụp khi nhận được tin dữ từ gia đình, cô Dương Lệ Quyên – GV chủ nhiệm lớp 10/2 trở thành nơi nương tựa cho cậu trò nhỏ đã sớm mồ côi cha. Một tuần sau đó, mẹ của Lan được tìm thấy rồi đưa vào điều trị tại bệnh viện, nhưng mãi mãi, Lan không còn được gặp bà ngoại và đứa em gái nhỏ. Cô Phạm Thị Thứ chia sẻ: Từ những động viên, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nhà trường làm cho Lan và Sơ thẻ tiết kiệm, để các em có thể dùng vào việc học tập ở bậc học cao hơn sau khi xong lớp 12. 7 HS mồ côi cả cha lẫn mẹ khác cũng có thẻ tiết kiệm từ nguồn đóng góp của thầy cô giáo, các cá nhân, tổ chức thiện nguyện.

Đến nay, Quỹ hỗ trợ học sinh mồ côi của Trường Phổ thông DNTN Phước Sơn đã có hơn 200 triệu đồng. Cô Thứ cho biết: Từ trường hợp một HS mồ côi cả cha lẫn mẹ tôi nhận đỡ đầu nhưng “thất bại”, tôi nghĩ đến việc xây dựng quỹ để có thể giúp các em dài hơi hơn. “Khi tốt nghiệp THPT, em có thẻ tiết kiệm khoảng 45 triệu đồng. Với khoản tiền này, cộng với việc làm thêm, em đủ để sinh hoạt trong những năm học ĐH. Thế nhưng, sau em còn có 3 em nhỏ cũng đang tuổi ăn tuổi học. Học xong năm thứ 3 Trường ĐH Nông Lâm, HS của mình đành phải bỏ học để quay về nuôi em ăn học. Tôi chỉ biết thông tin này khi xuống địa phương vận động HS bỏ học tới trường. Em cũng ngại nên tránh không gặp lại cô giáo. Tôi đang tìm cách kết nối lại với HS để có thể hỗ trợ em đi học nghề. Đứa em thứ hai của em  cũng đã được nhận vào trường để học, nhà chỉ còn 2 em nhỏ bậc tiểu học  vẫn có thể hỗ trợ được” – cô Thứ chia sẻ.

Em Nguyễn Dương Ngọc Thành, HS lớp 12/1, Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn mồ côi mẹ từ năm học lớp 1. Khi em học lớp 7, ba bị bệnh nặng rồi qua đời. Ba anh em Thành được cô ruột đưa về chăm sóc, nuôi nấng. Kinh tế của gia đình cô cũng không dư dả nhưng cô gắng để lo cho cả 5 người vừa con vừa cháu học hành. “Em may mắn được nhận sự giúp đỡ, cưu mang của thầy cô giáo từ năm lớp 9. Chúng em được thầy cô giáo hỗ trợ tiền ăn cũng như tiền sinh hoạt hàng tháng. Đầu năm học có thêm quần áo đồng phục mới. Số tiền được hưởng theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước hàng tháng, các thầy cô để dành mở thẻ tiết kiệm, lo cho tương lai sau này của chúng em khi học hết phổ thông”, Thành tâm sự.

Vốn thiếu thốn tình thương yêu của người mẹ, nên Thành xem cô giáo chủ nhiệm Mã Thị Nhớ như người mẹ thứ hai. Những lúc buồn hay khó khăn, cô cũng gần gũi gợi chuyện để giúp em vượt qua. Em tìm thấy được nguồn động viên, an ủi, bù đắp cho sự thiếu hụt tình thương, sự quan tâm từ thầy cô trong trường. - Em Nguyễn Dương Ngọc Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập604
  • Hôm nay26,255
  • Tháng hiện tại304,385
  • Tổng lượt truy cập51,660,344
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944