Khung kế hoạch thời gian năm học: Đủ rộng để phát huy quyền chủ động của địa phương

Thứ sáu - 06/08/2021 06:20 312 0
GD&TĐ - Khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 của Bộ GD&ĐT vừa quy định “phần cứng” là mốc thời gian các địa phương, cơ sở giáo dục phải bảo đảm hoàn thành.
Khung kế hoạch thời gian năm học: Đủ rộng để phát huy quyền chủ động của địa phương

Khung kế hoạch vừa hướng dẫn các nội dung mang tính linh hoạt, giao quyền chủ động cho địa phương tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. 

“Khung” đủ rộng

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc do Bộ GD&ĐT mới ban hành, ngày tựu trường được quy định sớm nhất vào 1/9/2021; riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ 23/8/2021; kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.

Ngoài điểm mới liên quan đến ngày tựu trường với học sinh tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng quy định, trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung thời gian toàn quốc, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo trao đổi của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT), Bộ GD&ĐT ban hành khung thời gian năm học áp dụng chung trên toàn quốc. Khung đủ rộng để giao quyền chủ động cho các tỉnh/thành quyết định kế hoạch thời gian năm học của địa phương mình phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT không quy định “cứng” các mốc thời gian, mà chỉ quy định “sớm nhất”, hoặc “muộn nhất”.

Ví dụ, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không thể tựu trường vào ngày 1/9, thì lùi muộn hơn - và chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn theo quy định. Chỉ đạo này đã được Bộ thực hiện từ năm 2020 khi dịch bùng phát đến nay.

Trong trường hợp đó, chủ tịch UBND quyết định thời gian cho học sinh đến trường và ngay từ đầu năm học cần xây dựng kế hoạch giáo dục với thời gian kết thúc năm học không phải 31/5 mà là 15/6. Ngược lại, địa phương có điều kiện phù hợp có thể đẩy sớm thời gian tựu trường (cũng trong khoảng 15 ngày so với quy định chung toàn quốc). Quyết định này hoàn toàn trong thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trường hợp bất khả kháng, dù đã kéo dài năm học muộn hơn 15 ngày nhưng vẫn chưa thể kết thúc năm học, sở GD&ĐT báo cáo về Bộ GD&ĐT để cùng bàn bạc, phối hợp với địa phương có giải pháp phù hợp. Như năm học 2019 - 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn kết thúc năm học vào tháng 7/2020 thay vì tháng 31/5 như kế hoạch ban đầu.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng lưu ý thêm, khi xây dựng kế hoạch thời gian năm học của địa phương cần phải bảo đảm số tuần thực học; phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học. Các ngày nghỉ lễ, Tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm. Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

Khung kế hoạch thời gian năm học: Đủ rộng để phát huy quyền chủ động của địa phương - Ảnh minh hoạ 2
Bảo đảm an toàn cho học sinh và đội ngũ giáo viên là mục tiêu hàng đầu. Ảnh minh họa: Thế Đại 

Giao quyền chủ động cho địa phương

Nhận định của ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, khung thời gian năm học 2021 - 2022 Bộ GD&ĐT vừa ban hành rất hợp lý: Vừa quy định “phần cứng” là các mốc thời gian địa phương, cơ sở giáo dục phải bảo đảm hoàn thành; vừa hướng dẫn các nội dung mang tính linh hoạt, giao quyền chủ động cho địa phương tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Trên cơ sở khung thời gian của Bộ, Sở GD&ĐT An Giang sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành Khung kế hoạch thời gian thực hiện trên địa bàn tỉnh cũng theo định hướng tương tự.

Do địa bàn An Giang rộng (11 huyện, thị, thành phố, với 725 cơ sở giáo dục), diễn biến dịch bệnh trên từng địa bàn cũng khác nhau; vì thế tinh thần chung là hướng dẫn, giao quyền tự chủ cho các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động thực hiện nội dung, chương trình dạy học phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, phải bảo đảm các quy định chung, như: Thực hiện đúng, đủ chương trình; bảo đảm chuẩn kiến thức, kĩ năng, yêu cầu cần đạt; không cắt xén chương trình dạy học một cách cơ học…

“Khung kế hoạch thời gian năm học chung trên toàn quốc do Bộ GD&ĐT ban hành là văn bản không thể thiếu, các địa phương đều mong chờ để căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương”.

Nhấn mạnh điều này, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: Quyết định 2551/QĐ-BGDĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên có một số điểm mới, phù hợp, sát thực với điều kiện triển khai thực hiện năm học trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, điều thấy rõ nhất là khung thời gian trong năm học được “nới” rộng thêm; đồng nghĩa quỹ thời gian trong năm học cũng nhiều lên, thuận lợi cho địa phương triển khai nhiệm vụ năm học.

Sáng 5/8, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã trao đổi, hội ý để xây dựng khung kế hoạch thời gian năm học của địa phương, căn cứ trên khung kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Thông tin từ ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, các ý kiến cho rằng khung thời gian mà Bộ đưa ra có những điều chỉnh hợp lý, sát với tình hình triển khai năm học trong điều kiện dịch bệnh. Các mốc thời gian năm học của Phú Thọ cơ bản thống nhất theo khung thời gian của Bộ GD&ĐT. Khung thời gian chính thức của địa phương cố gắng ban hành vào đầu tuần sau, để các đơn vị có cơ sở triển khai nhiệm vụ năm học.

“Năm nay, ngày tựu trường quy định sớm nhất vào 1/9; nhưng riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ 23/8 - đây là điểm mới. Tựu trường sớm hơn giúp học sinh lớp 1 có quãng thời gian cần thiết để làm quen với trường lớp, thầy cô, với cách tổ chức dạy học ở tiểu học, vì môi trường mầm non và tiểu học có nhiều khác biệt. Do đó, quy định này hoàn toàn hợp lý” - ông Phùng Quốc Lập cho biết thêm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập805
  • Hôm nay56,605
  • Tháng hiện tại334,735
  • Tổng lượt truy cập51,690,694
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944