Kịch bản năm học mới: Dạy học theo công nghệ truyền hình

Thứ tư - 18/08/2021 05:23 459 0
GD&TĐ - Từ kinh nghiệm năm học 2020 - 2021, dạy học trên truyền hình được nhiều địa phương quan tâm khi lên kịch bản cho năm học 2021 - 2022.
Kịch bản năm học mới: Dạy học theo công nghệ truyền hình

Khái niệm dạy học theo công nghệ truyền hình cũng được nhắc tới và được cho là giải pháp tốt nhất với HS nhỏ tuổi, khó khăn khi học trực tuyến.

Nhiều địa phương sẵn sàng

Bắt đầu mùa dịch tháng 3/2020, trước tình hình HS không thể đến trường, một mặt ngành Giáo dục Thừa Thiên - Huế tập trung chuẩn bị các điều kiện để dạy học online, mặt khác tận dụng quan hệ kí kết liên ngành giữa Đài truyền hình tỉnh và sở GD&ĐT trong công tác hỗ trợ truyền thông giáo dục. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho biết: Ngành Giáo dục triển khai dạy học trên truyền hình khá thuận lợi, khắc phục được khó khăn về hạ tầng công nghệ, thiết bị dạy học online của HS và cả sự chưa sẵn sàng của một bộ phận đội ngũ.

Thừa Thiên - Huế chỉ tập trung dạy học trên truyền hình cho 3 khối cuối cấp 5, 9 và 12. Các khối còn lại chủ yếu dạy học qua Zoom, trao đổi bài vở giữa giáo viên, HS. Qua mùa dịch đó, Thừa Thiên - Huế đã xây dựng được một kho bài giảng. Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Huế là đơn vị đóng góp nhiều nhất số bài giảng trên truyền hình để Bộ GD&ĐT dạy học trên kênh truyền hình quốc gia VTV.

Năm học 2021 - 2022, theo ông Nguyễn Tân, Thừa Thiên - Huế đã xây dựng 3 phương án. Phương án 1: Đi học bình thường khi dịch trên địa bàn được khống chế và thực hiện các biện pháp an toàn trường học trong điều kiện phòng chống dịch. Phương án 2: Khi đến trường nhưng phải thực hiện giãn cách thì chia lớp học thành hai ca. Phương án 3: HS không đến trường, ngoài dạy học trực tuyến mà ngành đã sẵn sàng, HS lớp 1, 2, 6 phải có giải pháp riêng. Trước hết, lớp 1 không thể dạy học online được, tối ưu nhất vẫn là dạy học trên truyền hình.

Kịch bản năm học mới: Dạy học theo công nghệ truyền hình - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh tự học trực tuyến qua tivi tại nhà.

“Sở GD&ĐT sẽ mời những thầy cô giáo giỏi, giàu kinh nghiệm tham gia dạy học trên truyền hình. Làm được lớp 1, chúng tôi sẽ kết hợp cả lớp 2 và lớp 6 - 3 lớp triển khai Chương trình, SGK mới. Qua truyền hình, phụ huynh có thể đồng hành, giúp trẻ học. Sau khi đi học trở lại, các trường sẽ rà soát, có biện pháp khắc phục lỗ hổng” – ông Nguyễn Tân chia sẻ.

“Dạy học trên truyền hình, qua Internet có vai trò hết sức quan trọng khi dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay”. Khẳng định điều này, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, cho rằng: Dạy trên truyền hình giúp HS củng cố lại kiến thức đã học, đồng thời tiếp nhận thêm kiến thức mới, góp phần hoàn thành chương trình môn học theo kế hoạch.

Năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Cà Mau tổ chức dạy truyền hình cho HS lớp 9 (môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh) và HS khối 12 (9 môn thi tốt nghiệp THPT) đã nhận được sự đồng thuận của HS, phụ huynh và giáo viên, được xã hội đánh giá khá cao. Bước vào năm học mới, sở GD&ĐT tiếp tục xây dựng phương án dạy học; trong đó có phương án dạy học trên truyền hình cho HS lớp 9 và khối 12.

Do thời gian phát sóng trên truyền hình có hạn, sở GD&ĐT tiếp tục chọn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán xây dựng chương trình, soạn bài đối với một số môn của lớp 9 (môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh) và lớp 12 (9 môn thi tốt nghiệp THPT); phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức ghi hình, phát sóng vào khung giờ hợp lý, giúp HS học tập có hiệu quả.

Tại Đồng Nai, chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Ngọc Thạch, ngành Giáo dục đã tính đến trang bị cho toàn tỉnh hệ thống dạy học trực tuyến chung. Riêng dạy học trên truyền hình cũng sẽ được tính đến, đặc biệt cho khối lớp 1 và 2. Trong tình thế này, mỗi nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình nhà trường một cách linh động, phù hợp nhất, không thể ngồi chờ hết dịch.

Kịch bản năm học mới: Dạy học theo công nghệ truyền hình - Ảnh minh hoạ 3
Tiết dạy do giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) thực hiện được phát trên Đài Truyền hình Hà Nội. 

Cần chuẩn bị bài bản

Là chuyên gia về công nghệ giáo dục, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhận định nhiều ưu điểm của tổ chức dạy học theo công nghệ truyền hình. Theo đó, với màn hình rộng, hình ảnh sắc nét, trẻ sẽ đỡ bị hại mắt; hình chuyển động vừa phải, trình bày theo tuyến nội dung thuận lợi. Nội dung bài dạy được chuyển thể linh hoạt: Kể chuyện, phim ngắn (hoạt hình, tài liệu), talk show, bình luận…

Bên cạnh đó, tổ chức dạy học theo công nghệ truyền hình, cha mẹ có thể dễ dàng hỗ trợ, cùng học với trẻ. Nhiều HS có thể cùng tiếp cận nên có thể học một cách đồng bộ. Thường những thầy cô được lựa chọn để thực hiện bài dạy là người có kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng nên chất lượng cao. Nếu thực hiện tốt, mỗi bài giảng sẽ được coi là một bộ phim ngắn, bảo đảm tính sư phạm và nội dung, phù hợp lứa tuổi…

Tuy nhiên, dạy học theo công nghệ truyền hình cũng có nhược điểm. Đó là chi phí khá tốn kém; đòi hỏi kĩ năng thiết kế bài giảng chuyên nghiệp với kịch bản sư phạm và kịch bản công nghệ; các dữ liệu đa dạng mới cho ra bài giảng sinh động, chứ không phải đứng giảng thuần túy rồi ghi hình, phát truyền hình.

Để triển khai tổ chức dạy học theo công nghệ truyền hình, TS Tôn Quang Cường gợi ý thực hiện bằng cách phối hợp giữa nhóm sản xuất chương trình truyền hình của đài truyền hình với nhóm giáo viên được lựa chọn. Xây dựng kịch bản cụ thể dưới format phim ngắn hoặc chương trình thực tế, gameshow/talk show ngắn.

Bài giảng nên được thiết kế theo cấu trúc đa dạng: Giáo viên giảng bài; lớp học mô phỏng; lớp học mini; các hoạt động mô phỏng; lồng ghép hình ảnh tư liệu, minh họa phong phú. Có thể thực hiện ghi hình bài học theo công nghệ truyền hình/đóng gói để phát trên truyền hình đại chúng theo giờ cố định hàng ngày; ghi lại dưới dạng video, phát trên YouTube hoặc phân phối cho các trường dưới dạng học liệu theo từng bài học…

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết: Từ năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT đẩy mạnh xây dựng các bài giảng điện tử; trước hết thí điểm ở một số trường. Với cách này, HS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sẽ có cơ hội tiếp cận với những giáo viên giỏi, góp phần nâng cao chất lượng và bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập250
  • Hôm nay41,742
  • Tháng hiện tại319,872
  • Tổng lượt truy cập51,675,831
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944