Kiểm tra định kỳ trực tuyến: Học hỏi kinh nghiệm của người đi trước

Thứ sáu - 14/05/2021 04:06 442 0
GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh, học sinh không thể đến trường, một số địa phương đã quyết định triển khai kiểm tra định kỳ trực tuyến.
Kiểm tra định kỳ trực tuyến: Học hỏi kinh nghiệm của người đi trước

Với nhiều trường, đây là việc mới, khó tránh khỏi khó khăn, lúng túng. Do đó rất cần gợi ý từ chuyên gia và kinh nghiệm chia sẻ từ những trường đã làm hiệu quả.

Quan trọng là sự quyết liệt của nhà trường

Khẳng định nhiều lợi ích của kiểm tra, đánh giá trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh học sinh phải tạm dừng đến trường, cô Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS An Vũ, Quỳnh Phụ, Thái Bình cho rằng: Việc đầu tiên nhà trường cần làm là lựa chọn được phần mềm phù hợp. “Chúng tôi chọn hệ thống OLM. Đây là nền tảng dạy học trực tuyến miễn phí do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng, cung cấp. Hệ thống này có đầy đủ công cụ như: Quản lý lớp học, quản lý giáo viên, học sinh; cho phép giáo viên và nhà trường có thể dạy học trực tuyến, theo dõi, thống kê tiến trình học tập của các lớp và từng học sinh cụ thể…”, cô Nguyệt thông tin.

Sau bước chọn công cụ công nghệ, theo Hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện, khâu ra đề rất quan trọng. Tại Trường Tiểu học - THCS  An Vũ, sau khi giáo viên được phân công ra đề, tổ trưởng chuyên môn xem xét sẽ thông qua, cuối cùng hiệu trưởng phê duyệt. Các đề sau khi được duyệt được tải lên phần mềm. Tiếp theo đó, nhà trường phối hợp với phụ huynh để tạo điều kiện cơ sở hạ tầng tốt nhất cho con trước khi kiểm tra. Lịch kiểm tra cần lên cụ thể cho từng khối lớp, với khung thời gian chi tiết cho từng môn và được thông báo trước một số ngày để phụ huynh, học sinh có thời gian chuẩn bị. Cần phân công giáo viên Tin học hỗ trợ, giúp học sinh dễ dàng truy cập, thực hiện các hoạt động kiểm tra.

Ông Huỳnh Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Trường học thông minh 789.vn - đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ giáo dục, hỗ trợ học tập, thi cử, kiểm tra, đánh giá trực tuyến cho 500 trường học trên cả nước nhận định: Yếu tố quan trọng nhất để quyết định việc dạy trực tuyến, thi trực tuyến thành công là công nghệ, sự quyết liệt của nhà trường, nỗ lực của người thầy và ý thức của trò.

Với yếu tố công nghệ, nhà trường cần lựa chọn những phần mềm dễ sử dụng, hạ tầng mạnh, có hệ thống chống gian lận trong thi trực tuyến và bảo đảm tính ổn định cho tổng số lượng học sinh; giáo viên của nhà trường truy cập cùng một lúc. Ngoài ra, giáo viên cần kiểm tra chất lượng buổi dạy bằng cách kết hợp trắc nghiệm, kiểm tra đánh giá thường xuyên sau mỗi bài dạy trực tuyến.

“Trên hệ thống 789.vn hiện nay cung cấp các câu hỏi đã soạn sẵn theo lộ trình học tập của nhà trường, dựa theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Giáo viên có thể truy cập vào hệ thống, tạo các đề thi trực tuyến có sẵn trên hệ thống và chuyển vào lớp học trực tuyến cho học sinh làm bài. Hình thức này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính tự học của học sinh và có thể học tập/ôn luyện mọi lúc mọi nơi” – ông Huỳnh Quốc Thắng cho hay.

Kiểm tra định kỳ trực tuyến: Học hỏi kinh nghiệm của người đi trước - Ảnh minh hoạ 2
Phụ huynh sẽ là người giúp con thi thật trong thời đại dịch. Ảnh minh họa

Linh hoạt trong tiêu chí đánh giá và nội dung thi

Trước những khó khăn khi triển khai kiểm tra định kỳ từ xa theo kiểu online liên quan đến kiểm soát tính trung thực trong thi cử, phụ thuộc nhiều vào yếu tố kỹ thuật (máy tính, đường truyền Internet), TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội đưa ra một số lưu ý:

Nhà trường, GV nên linh hoạt trong tiêu chí đánh giá và nội dung thi. Không nên cố gắng online hóa kỳ thi truyền thống, mà xây dựng một bài thi phù hợp với cách đánh giá từ xa, qua Internet. Nội dung bài thi nên tập trung nhiều hơn vào đánh giá tư duy sáng tạo hoặc tư duy phân tích của người học, thay vì kiểm tra trí nhớ hoặc cách kiểm tra cần đến sự tham chiếu quá nhiều từ sách vở. Như vậy sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài của người học (sách vở, hỏi người xung quanh...), và cũng bớt cho người học sức ép phải học thuộc lòng.

Kiểm tra định kỳ trực tuyến: Học hỏi kinh nghiệm của người đi trước - Ảnh minh hoạ 3
Phương án kiểm tra trực tuyến đã được nhiều trường tư thục đưa ra để phòng dịch Covid-19.

Từ tiếp cận kiểm tra/đánh giá và định hướng nội dung như trên, nên xây dựng barem/khung tiêu chí chấm điểm cho bài thi và công bố công khai cho người thi một vài tuần trước kỳ thi (thậm chí có thể công bố càng sớm càng tốt). Các nhà trường hoặc địa phương cần chuẩn bị kỹ điều kiện kỹ thuật (máy chủ, đường truyền, phần mềm...), ngân hàng đề thi, sớm chốt quy chế thi cử bằng hình thức online và công bố cho người học.

“Yêu cầu người học chuẩn bị kỹ các điều kiện kỹ thuật để thi: Phòng học yên tĩnh; đường truyền Internet ổn định, webcam và mic luôn mở. Cần kiểm tra kỹ các yếu tố này trước mỗi buổi thi để không có trục trặc. Cùng với đó, phối hợp với phụ huynh học sinh để bảo đảm tính trung thực, tự giác của người học khi tham gia thi” - TS Nghiêm Xuân Huy lưu ý thêm.

Cũng với góc nhìn chuyên gia, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc chuẩn bị từ trước nếu muốn làm bài bản; và quan trọng là phải thay đổi quan điểm và cách kiểm tra đánh giá.

Theo TS Tôn Quang Cường, đầu tiên nhà trường cần có nền tảng học tập trực tuyến, hoặc hệ quản lý học tập trực tuyến, hệ quản trị nội dung trực tuyến, để phân phối các đề thi theo cách trực tuyến. Ngân hàng câu hỏi được chuẩn bị tốt (sàng lọc, đánh giá, chuẩn hóa).

Đề thi bên cạnh có đánh giá ghi nhớ kiến thức, kỹ năng thực hiện, nên có phần để buộc học sinh phải trình bày trước màn hình (tránh gian lận, đánh giá đúng là học sinh đó làm bài). Thiết kế đề thi trên nền tảng công nghệ: Phân bổ nội dung, trộn đề ngẫu nhiên, đáp án và hiển thị tổng điểm ngay sau khi làm bài, kết nối webcam theo dõi quá trình làm bài (hệ thống giám thị online, nhắc thời gian làm bài...), mã hóa, kết nối để làm bài, quy trình nộp bài...; nhưng phần việc này nên để công ty phần mềm thực hiện.

Trường phải có hướng dẫn sử dụng thiết bị. Yêu cầu thiết bị tối thiểu đối với mỗi học sinh là màn hình hiển thị có camera và kết nối tốt trong trường hợp học sinh ngồi nhà làm bài. Nếu trường chia tách nhỏ thành các nhóm đến trường để thi càng tốt, khi đó trường lo đồng bộ thiết bị. Ngoài ra, cần có hướng dẫn, quy chế kiểm tra online cụ thể để phổ biến cho học sinh, cha mẹ, giáo viên hiểu nắm bắt rõ. Tôi cho rằng, nếu sở/phòng GD&ĐT có hệ thống chung, sau đó cấp tài khoản cho các trường sử dụng sẽ dễ quản lý hơn. - TS Tôn Quang Cường 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập799
  • Hôm nay35,999
  • Tháng hiện tại314,129
  • Tổng lượt truy cập51,670,088
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944