Thông tin về việc triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT khẳng định, Giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, giáo dục và đào tạo luôn được được đặt ở vị trí “quốc sách hàng đầu”.
Nhà giáo - nguồn lực, tài sản lớn của ngành Giáo dục, lực lượng then chốt trong phát triển sự nghiệp giáo dục, vì thế được quan tâm để phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Theo Bộ GD&ĐT, đã có nhiều Luật về giáo dục được ban hành nhưng một luật dành cho nhà giáo vẫn là mong mỏi, dự định trong hàng chục năm qua. Với lực lượng hàng triệu người, lao động mang tính đặc thù và giá trị nghề nghiệp được đo đếm bằng chất lượng con người, phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước, dự án Luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất là: giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Ngành Giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.
Một lớp học của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. |
Dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ đồng ý xây dựng, Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh đã trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.
Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để những những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp nhà giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng vững chắc, đó là Luật.
Sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5/2024, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo).
Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.
Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới (nhất là trí tuệ nhân tạo) để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc.
Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa; đồng thời đảm bảo xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc