Đây là năm cuối thực hiện kiểm tra đánh giá theo Chương trình GDPT 2006 nên nhiều nội dung kiến thức trong đề thi có sự liên thông giữa THCS và THPT.
Từ ngày 5/6 được xem là thời gian cao điểm, nhiều địa phương chọn để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 – 2025 như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Điện Biên, Lạng Sơn, Lào Cai, Tiền Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên…
Kỳ thi cuối cùng thực hiện theo Chương trình GDPT 2006, Nghệ An tăng đột biến, lớn nhất từ trước đến nay với hơn 44 nghìn em đăng ký dự thi. Toàn tỉnh có 69 Hội đồng thi, gồm 72 điểm thi với 1.887 phòng thi. Hội đồng thi có 2 điểm thi là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THPT Hà Huy Tập và Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An.
Trong khi đó, chỉ tiêu vào công lập ở các trường của Nghệ An chỉ hơn 36 nghìn em. Điều này tương đương gần 10 nghìn thí sinh sẽ không trúng tuyển vào các trường công lập và phân luồng vào các cơ sở giáo dục, đào tạo khác như trường THPT ngoài công lập, Trung tâm GDNN-GDTX, trường trung cấp nghề…
TP Cần Thơ có 14.691 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh ngoài TP tham gia thi tuyển vào Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng và Trường Thực hành Sư phạm (thuộc Trường Ðại học Cần Thơ) là 77 em. Tại điểm thi Trường THPT Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), một thí sinh bị tai nạn gãy tay không thể chép bài.
Thí sinh này đã được bố trí ở phòng thi riêng, có thiết bị ghi âm, ghi hình và được cán bộ coi thi hỗ trợ chép bài. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có 6 trường hợp thí sinh đặc biệt cần sự trợ giúp trong quá trình làm bài thi. Hải Phòng và Đà Nẵng đều có thí sinh đến điểm thi bằng xe cứu thương và được bố trí thi ở phòng thi riêng, nằm giường y tế để làm bài thi.
Sáng 6/6, thí sinh Phú Thọ dự thi vào lớp 10 THPT bước vào làm bài thi Ngữ văn. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, kỳ thi năm nay có 36 hội đồng thi với trên 22 nghìn thí sinh đăng ký dự thi và hơn 73 nghìn nguyện vọng. Dù đã xảy ra mưa trên diện rộng, có nơi mưa lớn nhưng ở ngày thi đầu tiên, ghi nhận tại nhiều Hội đồng thi thí sinh đến điểm thi khá sớm để chuẩn bị sẵn sàng bước vào môn thi.
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp, huy động hơn 3 nghìn người tham gia phục vụ kỳ thi. Đồng thời, sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, địa phương xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Khoảng 17.500 thí sinh Thái Nguyên cũng chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 sáng 6/6 với môn thi đầu tiên Ngữ văn. So với kỳ thi vào lớp 10 năm trước, năm nay tăng khoảng 1.600 thí sinh. Tỉnh đã bố trí 31 điểm thi, gần 750 phòng thi, huy động gần 2.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi.
Tại các Hội đồng thi của TP Thái Nguyên nhiều thí sinh đã sớm đến điểm thi để chủ động làm thủ tục trước khi dự thi. Đồ dùng, các vật dụng không được phép đưa vào phòng thi được gửi ở ngoài, có lực lượng thanh niên tình nguyện tiếp nhận, bảo quản hộ…
Thí sinh Quảng Ngãi tự tin với kết quả bài thi môn Ngữ văn. |
Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Nghệ An năm 2024, cô Lê Thị Hương - giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: “Đề thi có sự phân hóa rõ rệt, tạo điều kiện cho học sinh làm bài với từng mức độ năng lực của mình. Về tổng thể đề Ngữ văn có sự xuyên suốt, liên kết giữa các phần đọc hiểu làm văn, tình cảm, trách nhiệm với quê hương, đất nước”.
Phần Nghị luận xã hội ở đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Nghệ An, có sự liên hệ với câu hỏi ở bài đọc hiểu. Theo cô Hương, câu hỏi thế hệ trẻ cần thể hiện lòng biết ơn đối với quê hương đất nước không khó. Học sinh làm tốt câu này cần đưa ra các dẫn chứng có tính thuyết phục, biết liên hệ với bản thân.
Tình yêu quê hương đất nước không phải bằng lý thuyết mà những hành động thiết thực, biết cống hiến và xây dựng. Riêng đối với học sinh chính là quá trình không ngừng học tập, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phấn đấu học hỏi.
Với các em có năng lực, phải biết liên hệ, mở rộng vấn đề. Trong đó, phản ánh được tình trạng “chảy máu chất xám” ở thế hệ trẻ, xu hướng rời làng ra phố, rời đất nước ra nước ngoài làm việc. Trong xu thế đó, làm sao để vẫn có thể cống hiến, xây dựng quê hương đất nước. Sự sáng tạo, năng lực của người trẻ để quảng bá, làm giàu cho quê hương thời đại hội nhập, cách mạng công nghệ 4.0.
Trong khi đó, đề thi môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Đà Nẵng có nhiều đổi mới theo hướng tiệm cận với Chương trình GDPT 2018. Ngữ liệu đọc hiểu là một dạng văn bản nghị luận trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Theo thầy Nguyễn Đình Hòa - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) thì ngay phần đọc – hiểu đã có sự phân hóa nhẹ khi có một ý nhỏ, thí sinh phải vận dụng kiến thức ngoài ngữ liệu mới có thể trả lời tốt câu hỏi.
Thí sinh Lê Minh Hoàng - học sinh Trường THCS Chu Văn An, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết: “So với những năm trước đề Ngữ văn năm nay lạ. Chúng em chưa bao giờ gặp dạng đề như vậy dù vẫn học bài thơ Đoàn thuyền đánh cá nhưng yêu cầu như của đề ra thì không ai nghĩ đến”.
Theo Hoàng, lâu nay, học sinh chủ yếu gặp dạng đề cảm nhận hoặc phân tích, so sánh đoạn thơ của 2 tác phẩm có cùng một chủ đề, phân tích nhân vật chứ phân tích đoạn thơ và làm rõ nghệ thuật xây dựng hình ảnh của tác giả thì hầu như chưa gặp. Dự kiến bài thi môn Ngữ văn của em chỉ đạt khoảng 5,5 điểm vì em khá lúng túng với đề thi này.
Ngữ liệu của đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh được đánh giá giàu tính nhân văn. Theo thầy Võ Kim Bảo - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), ngữ liệu phần đọc hiểu có sự kết hợp cả văn xuôi và thơ nên học sinh có nhiều “đất” khai thác. Câu hỏi của đề vừa hỏi phần văn xuôi, vừa hỏi đề phần thơ, đây là điểm hay đáng chú ý của đề.
Lời chúc chiến thắng của một phụ huynh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 – 2025 tại Đà Nẵng. |
Đánh giá về đề thi môn Toán của Sở GD&ĐT Nghệ An, thầy Nguyễn Công Tiến - giáo viên Toán, Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương) cho rằng đề thi không “đánh đố”, nhiều câu hỏi dễ nên tỷ lệ học sinh đạt được từ 7 – 8,5 điểm sẽ nhiều, tuy nhiên để đạt điểm 9 và 10 lại rất khó.
Cấu trúc đề thi khá hợp lý khi có những câu hỏi nâng cao, đòi hỏi các em vận dụng nhiều kiến thức theo hệ thống hoặc tổng hợp mới giải được. Điều này đảm bảo mức độ phân hóa và đánh giá chất lượng thí sinh rất tốt.
Theo thầy Tiến, từ câu hỏi thứ 4b, 4c Hình học không gian và câu thứ 5 về Đại số là câu hỏi khó, phân hóa học sinh rõ rệt nhất. Nhiều học sinh phải mất nhiều thời gian để giải được câu 4 và 5. Dự đoán của thầy Tiến với đề Toán sẽ khó có “mưa” điểm 10 như những năm trước đó.
Cô Nguyễn Thị Việt Thảo - giáo viên Toán, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhận xét: “Đề thi môn Toán vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Đà Nẵng năm nay chọn được một số kiến thức có sự liên thông giữa cấp THCS và THPT. Chẳng hạn như những bài toán về điều kiện, rút gọn biểu thức để sau này chuyển tiếp lên lớp 10 các em sẽ học chương hàm số thì sẽ có điều kiện xác định hàm số, bài toán parabol sẽ khảo sát hàm bậc 2 ở lớp 10 có sự tổng quát hơn ở lớp 9...”.
Dạng bài toán ứng dụng cũng được nhóm ra đề của các địa phương đưa vào đề thi khá thú vị, tạo được nét riêng và giúp thí sinh hiểu rõ hơn về vai trò của Toán học đối với cuộc sống. Với đề thi môn Toán của Sở GD&ĐT Đà Nẵng và Tiền Giang, thí sinh vẫn có thể làm sai một số câu dễ nếu không giữ được bình tĩnh, làm bài không cẩn thận.
Đề thi môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Nghệ An được nhiều giáo viên đánh giá học sinh không khó để làm “tròn bài”, nhiều cơ hội đạt điểm cao. Nhưng để đạt điểm giỏi, xuất sắc thì ngoài phân tích được luận điểm trọng tâm, phải biết lấy điểm ở cách mở rộng vấn đề, lấy dẫn chứng chính xác, phù hợp, thuyết phục.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc