Việc trường lớp quá tải trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhiều lần được nhắc đến khi khu vực này có đến 78 tòa chung cư với dân số trên 100.000 người. Gần như tất cả số học sinh tiểu học trong địa bàn học tại hai Trường Tiểu học Hoàng Liệt và Tiểu học Chu Văn An.
Đầu năm học 2017 - 2018, Trường Tiểu học Chu Văn An bắt đầu được đưa vào sử dụng. Ngay năm học đó, trường có 15 lớp 1, bình quân mỗi lớp có từ 50 đến 52 học sinh. Đến năm học 2018 – 2019, 15 lớp này đã được sắp xếp lại thành 13 lớp 2, nâng tổng số học sinh bình quân trong mỗi lớp từ 57 - 58 em.
Năm nay, lứa tuổi “Rồng vàng” (sinh năm 2012) bắt đầu vào lớp 1 nên số học sinh vào đầu cấp tiểu học tăng đột biến. Trường Tiểu học Chu Văn An năm nay có đến 23 lớp 1, tăng 8 lớp so với năm ngoái. Với 1.145 học sinh vào lớp 1 nhà trường phải bố trí học sinh nghỉ học luân phiên các ngày trong tuần để có chỗ cho lớp khác học. Số lượng học sinh tăng nhưng hạ tầng trường lớp không thay đổi. Đây chính là áp lực lớn cho thầy và trò, khó đáp ứng mọi yêu cầu của việc giảng dạy của nhà trường, việc học của con em.
Tại các phòng học, bàn ghế được bố trí dày đặc, học sinh ngồi kín mít cả lớp học, hầu hết các bàn học đều có 3 học sinh. Các cô giáo rất vất vả để quản lý cũng như truyền đạt được bài giảng cho học sinh. Tuy nhiên, điều lo ngại hơn với phụ huynh Trường Tiểu học Chu Văn An trong năm học này là lịch nghỉ luân phiên, các lớp chỉ học 4 ngày trong tuần. Có lớp, học sinh sẽ nghỉ thứ 4, thứ 5 và đi học thứ 2, 3, 6 và thứ 7.
Lịch học “lạ” khiến cho các gia đình rất lo lắng tìm chỗ gửi con những ngày trong tuần. Nhiều phương án được đưa ra, trong đó có phương án để con ở nhà một mình, nhờ ông bà từ quê lên trông coi, tiếp tục gửi con theo buổi tại trường mầm non đã học và gửi vào các trung tâm, câu lạc bộ kĩ năng sống. Được biết trong những năm gần đây tại khu vực Linh Đàm đã có nhiều trung tâm, câu lạc bộ được thành lập với nhiều phòng học chuyên để phục vụ các ngày nghỉ của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An với mức giá từ 100.000 - 130.000 đồng/ngày.
Nhiều phụ huynh đã phải lựa chọn phương án cho con tham gia các câu lạc bộ dù tốn thêm một khoản vì không thể nghỉ làm trông con. Chỉ có điều chi phí sẽ đội lên, nhất là những nhà có nhiều con đi học. Đây là khoản tiền không nhỏ mà đáng nhẽ không phát sinh khi học ở trường công lập. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ thắc mắc khi mọi năm, chương trình học vốn là 5 ngày trong tuần, năm học này dồn lại 4 ngày thì nhà trường sẽ dồn thế nào, cắt môn học nào, làm sao để đảm bảo chất lượng dạy và học...
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, tại các khu vực nội thành, khu chung cư, đô thị ở Hà Nội, số lượng người dân đến sinh sống rất đông, số lượng trường học không đáp ứng kịp dẫn đến sĩ số ở các trường tiểu học rất cao. Vì sĩ số lớp học quá đông nên nhiều trường tiểu học không còn phòng cho học sinh học và buộc phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên.
Đối với các trường tiểu học phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT các quận, huyện và nhà trường bố trí việc giảng dạy, học tập luân phiên một cách khoa học, hợp lý giữa các khối lớp. Ngoài ra, việc nhà trường sắp xếp học luân phiên phải đảm bảo chất lượng giảng dạy và an toàn cho học sinh.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện nhanh chóng tìm quỹ đất, xây dựng thêm trường lớp mới cũng như có những giải pháp hữu hiệu để nhanh chóng chấm dứt tình trạng học tập, nghỉ học luân phiên ở các trường.