Niềm vui chung của cả lớp
Đạt điểm cao nhất là em Vi Hồng Hà Sương với 26,75 điểm, trong đó Văn đạt 8,75; Lịch sử 8,25; Địa lý 9,7. Sương cũng là Bí thư chi đoàn của lớp 12C1 và từng đạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi môn Văn tỉnh Nghệ An.
Chia sẻ về kết quả này, Sương phấn khởi nói:
Sương cũng cho biết, ước mơ của em là được trở thành phóng viên, vì thế, em đã đăng ký nguyện vọng vào Học viện báo chí và Tuyên truyền. Vừa qua, em đã ra Hà Nội để tham dự bài thi năng khiếu của trường này. Hiện em đang hồi hộp chờ kết quả xét tuyển chính thức.
Cô trò lớp 12C1 trong giờ học trên lớp |
Không chỉ đạt điểm trung bình tổ hợp môn khối C của cả lớp đạt trên 21 điểm, lớp 12C1 còn sở hữu thành tích đáng nể với 5 em đạt điểm môn Ngữ văn trên 9. Trong đó, em Lô Thị Tĩnh và Hà Thị Vân đạt 9,5 điểm. Em Quang Thị Thùy Ly đạt 9,25 điểm.
Em Lô Thị Tĩnh đạt điểm cao thứ 2 của lớp với 26,25 cho biết: “Câu nghị luận văn học thì kiến thức yêu cầu nằm trong sách giáo khoa. Nhưng câu nghị luận xã hội thì phải tư duy. Với em, tiềm lực đất nước không ở đâu xa mà ở trong mỗi con người. Ví dụ như các thầy cô giáo hàng ngày đến lớp, hết lòng dạy học cho học sinh, truyền đam mê học tập, ước mơ vào tương lai cho học sinh, chính là góp sức vào xây dựng đất nước. Bản thân em là học sinh, thì cố gắng học tập tốt, lựa chọn ngành nghề tương lai phù hợp với đam mê, sở thích, để sau này có thể phát huy hết năng lực của mình. Ai cũng như vậy sẽ phát huy được tiềm lực đất nước”.
Các em học sinh lớp 12C1 đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số |
Trước khi dạy thành tài, thì dạy các em thành người
Điểm thi công bố, người liên tiếp nhận về nhiều niềm vui nhất chính là cô Bùi Thị Lệ Thu – giáo viên môn Ngữ văn và chủ nhiệm lớp 12C1: “Tôi thực sự bất ngờ, vui mừng muốn khóc. Công đầu thuộc về sự nỗ lực của đam mê học tập của các em, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, xa cha mẹ, ăn học nội trú trong trường suốt 3 năm qua".
Học sinh của trường đều đồng bào dân tộc thiểu số, ở nội trú. Vì thế, để tăng cường kiến thức thời sự, xã hội cô Thu tranh thủ mọi thời gian cho các em nghe tin tức, các sự kiện được bình luận trên báo đài…
“Phương pháp của tôi là để các em tự tìm hiểu, khám phá, trao đổi với nhau. Và hướng các em tự ý thức, thể hiện tiếng nói, suy nghĩ với đất nước, xã hội, và vấn đề nóng đương thời. Mỗi bài văn hay đều được đọc lên cho các lớp nghe để các em học hỏi lẫn nhau”, cô Thu cho biết.
Ngoài các lần thi thử tại trường THPT DTNT, cô Thu cũng kết nối và tổ chức cho học sinh của lớp tham gia thi thử tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Kết quả lần thi đó rất tốt, khiến các em mạnh dạn hơn, tự tin vào bản thân. 5 bạn của lớp đạt kết quả thi trên 26 điểm thì trước đó đều có điểm thi thử tốp đầu.
Cô Thu cũng tâm sự, khi nhận lớp, các em mới chỉ là những cô bé, cậu bé rời bản làng xuống thành phố đi học. Tất cả đều bỡ ngỡ, thậm chí là “ngơ ngác”, có em tiếng Kinh nói chưa sõi. Cô phải rèn giũa lại từ lời ăn tiếng nói, đến chữ viết sao cho đúng chính tả, chuẩn phát âm.
“Thầy hiệu trưởng cũng nói với tôi: Trước khi dạy các em được thành tài, thì trước hết hãy dạy cho các em thành người. Bản thân tôi là một giáo viên dạy Văn là người tiếp thêm động lực, thổi vào tâm hồn các em đam mê với văn học, đam mê học tập, ý chí cầu tiến.
Ngày thi cận kề, ngọn lửa quyết tâm của các em cháy lên mạnh mẽ, tôi còn lo các em tham vọng lớn quá… Và đến giờ, tôi có thể tự hào là sau 3 năm, tôi đã dạy các em nên người”, cô Bùi Thị Lệ Thu vui mừng chia sẻ.